Doanh nghiệp 04/12/2018 14:02

Thủ tục hải quan: “Không còn mật mỡ mà hướng đến công khai minh bạch và chuẩn mực”

“Bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (DN) lẽ ra phải làm từ lâu rồi. Trước đây, DN luôn không biết tại sao mình lại vào luồng xanh, vàng, đỏ. Bây giờ làm rõ ràng để không còn mật mỡ mà hướng đến công khai, minh bạch và chuẩn mực”.

Đòi tiền bồi thường của hải quan khó hơn lên trời

Từ trước đến nay, quy định, thông tư thường bỏ qua quy định trách nhiệm của ngành và không hề có quy định cụ thể về chế tài với cơ quan chức năng liên quan vì không ai dại gì vác đá ghè chân mình.

Đó là nhận định của ông Vũ Chu Hiền, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tại Hội thảo Lấy ý kiến DN về Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của DN trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa được tổ chức vào sáng nay (4/12).

Phát biểu thẳng thắn tại hội thảo, ông Hiền cho biết: “Từ trước đến nay, quy định, thông tư thường bỏ qua quy định trách nhiệm của ngành và không hề có quy định cụ thể về chế tài với cơ quan chức năng liên quan vì không ai dại gì vác đá ghè chân mình. Nhưng giờ thì phải quản lý 2 phía, cả cơ quan chức năng và cả DN chứ không quản chỉ 1 phía được”.

“Nếu quyết định sai thì DN phải chịu chi phí, lúc đó hải quan không bao giờ tự giác bồi thường và kể cả DN có đòi thì hải quan cũng không bồi thường chi phí đó. Còn nếu DN chậm thủ tục gì đó thì phải tự động nộp thuế, không lằng nhằng”, ông Hiền nói.

Đáng nói, một số đại diện DN chia sẻ rằng, chắc chắn có nhiều DN có mặt tại đây đều biết đòi lại tiền bồi thường của hải quan khó hơn lên trời. “Đừng nói đến lãi suất ngân hàng hay chịu phạt với cơ quan thực thi công quyền. Đó là chuyện rất đau đầu từ nhiều năm nay”, đại diện nhiều DN cho hay.

Bên cạnh đó, ông Hiền cho biết, chờ cơ quan thuế hoàn thuế được chắc khó khăn lắm, nên cơ quan thuế làm khấu trừ, đó là một hình thức chiếm dụng vốn của DN. Cho nên hiện nay dự thảo Thông tư cần ban hành một hình thức công khai, công bằng hơn.

Càng nhiều tờ khai, càng tin cậy?

Đại diện cơ quan soạn thảo Dự thảo Thông tư cho biết sẽ tiếp thu ý kiến DN và sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

Bà Tạ Thị Vân Hà, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, DN thủy sản rất vui vì có bộ tiêu chí rõ ràng như thế này để DN biết mình đang ở đâu, không phải thắc mắc cơ quan hải quan.

“Nhưng sau khi vui mừng thì chúng tôi cũng rất hoảng hốt vì nếu đúng như bộ tiêu chí này thì tất cả DN thủy sản đều ở mức 4 có nghĩa là không tuân thủ pháp luật hải quan về xuất nhập khẩu”, bà Hà chia sẻ.

Cụ thể, bà Hà cho biết, việc hủy tờ khai hải quan thì hầu như tất cả DN thủy sản đều mắc vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan cho nên, nếu chiếu theo bộ tiêu chí này thì các DN thủy sản sẽ bị phạt và đánh hạ bậc liên tục.

“Hoạt động mua bán thủy sản không thể tránh khỏi rủi ro hủy đơn hàng, hoãn thời gian giao hàng hay hàng hỏng thì phải hủy tờ khai, nhưng nếu hủy tờ khai quá lớn thì DN sẽ bị tụt hạng nên không có DN thủy sản nào có thể đạt mức 1; 2 hay 3”, bà Hà nói..

Hơn nữa, đại diện Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, nếu số lượng tờ khai của DN không lớn, DN chỉ có vài chục tờ khai mỗi năm, không đủ định mức hạng 1 hay 2 nhưng nhiều năm nay vẫn hoạt động tốt thì sao lại đánh giá DN chỉ đạt mức thấp?

Giải thích điều này, ông Nguyễn Quách Đăng Hoàng, đại diện ban soạn thảo nhận định: “Mức 1 2 3 đều là DN tuân thủ pháp luật, chỉ có mức 4 là DN không tuân thủ thôi. Nhưng chia ra các mức cao thấp để hướng DN đến mức tuân thủ cao và ưu tiên hơn nữa. Nếu đạt được mức 3 thì DN chỉ được ưu tiên vừa phải thôi, đạt được mức 2 thì ưu tiên hơn, mức 1 ưu tiên nhất”.

Về vấn đề này, ông Vũ Khắc Mễ, trọng tài viên VIAC cho biết: “Số lượng tờ khai thấp, ít thì năng lực tuân thủ DN không cao, DN phải hoạt động nhiều lên thì tin cậy của cơ quan hải quan mới nhiều hơn chứ”.

Bên cạnh đó, theo ông Mễ, việc từ chối nhận hàng không sai, sửa tờ khai cũng không sai, đây chỉ là những hành vi có rủi ro thôi.

Ngoài ra, phát biểu kết luận buổi hội thảo, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, chính DN và nhất là DN nhỏ và vừa cũng phải tự nâng cao năng lực của mình lên, hoạt động nhiều lên để có mức độ tin cậy với cơ quan hải quan nhiều hơn.

Hồng Vân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *