Doanh nghiệp 26/04/2018 10:24

Thu nhập của nhân viên PVC ra sao khi thua lỗ đã vượt 3.200 tỷ đồng?

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh lao dốc, thua lỗ đến cuối năm 2017 vượt 3.200 tỷ đồng, nguồn việc gặp nhiều khó khăn…PVC đã phải thực hiện tái cơ cấu mạnh. Thu nhập chi trả cho nhân viên không đạt kế hoạch: bình quân toàn tổng công ty ở mức 9,85 triệu đồng/tháng và tại công ty mẹ là gần 12 triệu đồng.

Kinh doanh lao dốc, chưa đòi được hơn 3.100 tỷ đồng tiền nợ

Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – mã chứng khoán PVX) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2017, trong đó trình bày khá chi tiết về bức tranh tài chính của doanh nghiệp.

PVC đang gặp khó khăn trong tìm nguồn việc mới và tiếp cận vốn vay
PVC đang gặp khó khăn trong tìm nguồn việc mới và tiếp cận vốn vay

Cụ thể, năm qua, kết quả sản xuất kinh doanh của PVC lao dốc mạnh so với 2016. Doanh thu hợp nhất chỉ đạt 3.899 tỷ đồng, bằng 42% năm 2016 và chỉ đạt 11% kế hoạch năm. Lỗ hợp nhất trước thuế 415,3 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 367 tỷ đồng; lỗ sau thuế hợp nhất 416,3 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 365,9 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu công ty mẹ PVC tại thời điểm 31/12/2017 cũng đã giảm 30% so với 1 năm trước, còn 824 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế của công ty thời điểm trên đã lên tới 3.253,4 tỷ đồng.

Báo cáo này cho biết, đến cuối 2017, công ty mẹ PVC có vốn góp tại 30 đơn vị với giá trị đầu tư lên tới gần 3.150 tỷ đồng, thế nhưng cổ tức thu về trong năm 2017 lại chỉ ở mức 41,5 tỷ đồng, chủ yếu là cổ tức từ PVC-MS (gần 40 tỷ đồng).

Không chỉ vậy, tổng công ty này còn phải trích lập thêm dự phòng giảm giá đầu tư tài chính 65,3 tỷ đồng trong năm 2017 nâng con số luỹ kế trích lập đến thời điểm 31/12/2017 lên 1.630 tỷ đồng, tương ứng 51,8% tổng giá trị đầu tư.

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn thì công nợ phải thu của công ty mẹ PVC đến 31/12/2017 vẫn còn tới 3.116,6 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn lên tới 1.298,9 tỷ đồng. PVC đã thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi 996,7 tỷ đồng (tương ứng 77% giá trị nợ quá hạn).

Trong số này, PVC cho biết, nhiều khoản công nợ phải thu là từ các nhà thầu phụ do còn những vướng mắc, chưa quyết toán được công trình/dự án nên chưa có cơ sở để thu hồi/xử lý nợ (như tại dự án nhiệt điện Vũng Áng 1, nhiệt điện Quảng Trạch).

Khó khăn vì phải tuân theo…Luật Đấu thầu

Về tiến độ tái cơ cấu, PVC cho biết đã triển khai điều động cán bộ công nhân viên tại các ban chuyên môn tới các ban dự án, qua đó góp phần giảm nhân sự gián tiếp tại công ty mẹ và tăng cường nhân lực cho các ban điều hành, đặc biệt là tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2.

Vào tháng 2/2018, PVC đã hoàn thành sáp nhập 7 ban chuyên môn/văn phòng xuống còn 4 ban chuyên môn/văn phòng; các Phó tổng giám đốc phụ trách các lĩnh vực kiêm nhiệm chức danh trưởng các ban chuyên môn.

Thu nhập bình quân năm 2017 của lao động định biên toàn tổng công ty này ở mức 9,85 triệu đồng/người/tháng, bằng 97% kế hoạch năm. Trong đó, lao động tại công ty mẹ đạt mức thu nhập bình quân 11,96 triệu đồng/người/tháng, bằng 98% kế hoạch năm.

Trong năm 2017, cổ đông lớn là PVN đã dừng thực hiện Nghị quyết 233 về việc “phát huy nội lực và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của các đơn vị thành viên tập đoàn”, công tác tìm kiếm nguồn công việc mới trong ngành của tổng công ty phải tuân theo các quy định của Luật Đấu thầu. Đây được cho là một trong những khó khăn lớn mà PVC phải chấp nhận trong năm qua.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị thành viên của PVC hoạt động thua lỗ, không đủ điều kiện tham dự thầu nhiều công trình, dự án. Nguồn việc vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các dự án được PVC giao.

PVC và các đơn vị còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng ngân hàng để triển khai thu xếp vốn cho các dự án.

Đáng nói là, việc các cơ quan pháp luật thực hiện công tác điều tra, thanh tra, khởi tố làm ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ nhân viên toàn tổng công ty. Ngoài ra, khi PVC làm việc với các chủ đầu tư, đối tác, khách hàng cũng gặp nhiều hạn chế dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC ngày càng gặp khó khăn, đặc biệt trong công tác tiếp thị, tìm kiếm nguồn công việc mới.

Theo thông báo mới nhất từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), kể từ ngày 24/4/2018, cổ phiếu PVX của PVC chính thức bị đưa vào diện kiểm soát.

Theo đó, cổ phiếu PVC sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần. Nguyên dân dẫn đến tình trạng này là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ PVC trong năm 2016 và năm 2017 (có tính đến ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán) tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 là số âm.

Bích Diệp

 
 
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *