Doanh nghiệp 13/12/2017 06:33

Thông tin hỗn loạn, dấu hỏi niềm tin và sự phát triển của thương mại điện tử?

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35%/năm (cao gấp 2,5 lần so Nhật Bản). Tuy nhiên, một số DN cho rằng, kinh doanh qua các trang TMĐT hiện tốn chi phí không kém gì so với cách bán truyền thống và thông tin hàng hóa thực sự hỗn loạn.

Khó khăn của DN khi làm thương mại điện tử

Trao đổi về những khó khăn của TMĐT với các DN tại Hội thảo “Giải pháp thương mại điện tử để doanh nghiệp thành công hơn”, Giám đốc Kinh doanh Công ty chuyên làm về thương mại và phân phối hàng tiêu dùng, ông Đỗ Phi Long cho biết: “Hiện nay, công ty tôi đã đưa hàng hóa của mình lên các trang web TMĐT. Đưa hàng lên các trang web này có một số thuận lợi, thứ nhất là mình giảm được chi phí quản lý, chi phí về nhân sự, thông tin về hàng hóa đến với người tiêu dùng nhanh hơn”.

“Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều bất cập như phí phải trả cho các trang TMĐT đó cũng khá cao, so với cách bán hàng truyền thống thì chi phí phải trả cho các trang TMĐT cũng khá cao chứ không hề thấp. Việc nữa là rủi ro khi bán hàng cho khách, có những trường hợp khách đặt hàng rồi nhưng lại không nhận hàng của mình. Hàng trả về, DN hoàn toàn phải chịu. Trong khi đó, hàng qua quá trình vận chuyển, qua nhiều tay rất khó đảm bảo được như lúc ban đầu, có thể là dập nát, hỏng”, ông Long nói.

Thế nhưng, theo ông Long: “Ngay từ đầu làm việc với các trang TMĐT cũng đã rất rõ ràng, phía các trang TMĐT cũng khuyên các DN thôi phải chấp nhận việc đó như là rủi ro. Và hiện nay, chưa có giải pháp nào để khắc phục tình trạng đó. Ngay cả các trang TMĐT cũng phải chịu thiệt khi họ cũng phải chịu chi phí vận chuyển. Họ vận chuyển đi, khách hàng phá hợp đồng thì đó không phải lỗi của DN hay của bên vận chuyển. Vì thế, mỗi bên cũng phải chịu một phần, phía DN chịu thiệt hại về hàng hóa hư hỏng, các trang TMĐT chịu phí vận chuyển.”

“Nhưng hiện nay, chưa có chế tài nào với những người phá vỡ hợp đồng như vậy. Có chăng nên nghiên cứu để đưa vào đó một chế tài, bởi đó cũng là một giao dịch kinh tế. Anh có đặt hàng thì chúng tôi mới chuyển hàng đến. Hàng đó anh đã được xác nhận và tư vấn, làm như vậy sẽ gây thiệt hại rất nhiều cho DN”, ông Long chia sẻ thêm.

Khó khăn là nhiều, tuy nhiên ông Long vẫn đánh giá: “Hiệu quả của TMĐT đương nhiên sẽ tăng hơn vì nó cho DN thêm 1 kênh bán hàng, song song với kênh bán hàng truyền thống. Thay vì phải có người đến chào hàng và mời tận nơi thì bây giờ nhanh hơn rất nhiều. Trước đây, DN có thể phải bán qua kênh trung gian. Nhưng hiện giờ, hàng hóa có thể đến tận tay người tiêu dùng.”

“Sự tăng trưởng là rõ ràng nhưng chưa phải mạnh, theo nghiên cứu thị trường của chúng tôi thì những người tham gia mua sắm trực tuyến chủ yếu là dân văn phòng, giới trẻ. Những người trung tuổi vẫn khó khăn trong việc tiếp cận mua hàng trực tuyến, đó là đối tượng có thu nhập cao mà chúng tôi chưa tiếp cận được”, ông Long khẳng định.

Giải pháp nào cho TMĐT

Đề cập tới giải pháp, ông Long cho rằng: “Giải pháp phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp và các cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước phát huy thêm vai trò quản lý của mình.”

“Ví dụ, các DN đưa hàng hóa lên các trang TMĐT thì nguồn gốc là rất quan trọng. Cùng một mặt hàng, nhưng bất kì DN nào cũng có thể đưa hàng của mình lên các trang TMĐT, mặc dù có kiểm định nhưng thực sự còn quá lỏng lẻo. Để xác minh thông tin hàng hóa DN cung cấp thực sự tôi có cảm giác nó đang hỗn loạn, đặc biệt là bán hàng trên FB. Nhà nhà bán, cá nhân nào cũng có thể bán mà không có kiểm chứng”, ông Long nói.

Sự mập mờ này đã dẫn tới việc niềm tin của người tiêu dùng vào mua hàng online rất thấp, ông Long chia sẻ: “Chúng tôi đã gặp trường hợp khi đưa hàng hóa lên, khách hàng gọi đến hỏi sao bên này họ đưa hàng hóa lên giá và quảng cáo thế này mà bên anh lại thế này,... Nó dẫn đến sự mẫu thuẫn, xung đột trong thông tin. Khiến cho tôi cũng rất khó chứng minh tôi thế nào là hợp lý.”

“Các chế tài hiện chưa được chặt, mệnh ai người đó đưa lên. Trong khi đó, hiện nay chỉ có 1 khâu kiểm định của các trang TMĐT. Nhưng nó cũng chỉ căn cứ vào giấy tờ DN cung cấp. Còn bản thân các trang TMĐT chưa đủ khả năng để thẩm định nó có đúng hay không. Nó dẫn đến sự cạnh tranh thiếu minh bạch, công bằng”, ông Long chia sẻ thêm.

Cuối cùng, Giám đốc này khẳng định: “Có thể người làm tốt thì chi phí lại cao, người làm không tốt thì chi phí thấp, nên khi đưa hàng hóa lên thì người tiêu dùng thường hoài nghi. Dẫn đến việc cùng một sản phẩm nhưng giá vênh nhau rất nhiều, tạo tâm lý nghi ngờ. Dần dần sẽ khiến TMĐT không phát triển.”

Hiện nay, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp ứng dụng internet và công nghệ tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020.

Trên thực tế, thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ đang phát triển nhanh hơn với tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 25% trong năm 2017. Thời gian tới, thương mại điện tử sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại Việt Nam.

Thế Hưng

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *