Doanh nghiệp 14/12/2018 09:02

Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp hơn 5.000 tỷ đồng, thu về gấp đôi

Về thoái vốn, trong 11 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng.

Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 3.758 tỷ đồng, thu về 7.987 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, về tình hình cổ phần hóa, trong 11 tháng đầu năm 2018, có 12 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó cổ phần hóa 11 DNNN và 01 đơn vị sự nghiệp. Trong đó tổng giá trị doanh nghiệp là 29.747 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.413 tỷ đồng.

Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 18.348 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.158 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.289 tỷ đồng; đấu giá công khai 4.791 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 99 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 5 tỷ đồng.

Về thoái vốn, trong 11 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng, trong đó chỉ có 02 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017.

Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 3.758 tỷ đồng, thu về 7.987 tỷ đồng. Trong đó: Thoái vốn tại các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư) được 2.416 tỷ đồng, thu về 2.794 tỷ đồng; Thoái vốn tại các lĩnh vực khác được 1.129 tỷ đồng, thu về 2.548 tỷ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn tại 08 doanh nghiệp với giá trị 212 tỷ đồng, thu về 2.644 tỷ đồng.

Về hoạt động bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước góp về SCIC, trong 11 tháng đầu năm 2018, SCIC đã tiếp nhận được 07 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước tiếp nhận là 206 tỷ đồng.

Ngoài ra, SCIC còn tiếp nhận 04 doanh nghiệp ngoài danh sách tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg, trong đó có 03 doanh nghiệp trong kế hoạch tiếp nhận vốn của SCIC, 01 doanh nghiệp ngoài kế hoạch tiếp nhận vốn (Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam – Đà Nẵng) với tổng giá trị vốn nhà nước tiếp nhận là 802 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn từ năm 2016 đến nay đã cổ phần hóa thành công một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhiều DNNN quy mô lớn và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích như: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Tổng công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tập đoàn cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex, Tổng công ty thương mại Hà Nội, Công ty thoát nước và phát triển đô thị - Bà Rịa Vũng Tàu, Đoạn quản lý đường bộ I - Hòa Bình; Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương...

Bên cạnh đó, đã thay đổi phương thức cổ phần hóa, đã thực hiện cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn, tổng công ty thay vì cổ phần hóa từng đơn vị con thuộc tập đoàn, tổng công ty như trước đây, cụ thể như: Tổng công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Cao su Việt Nam...

Theo Bộ Tài chính việc cổ phần hóa DNNN gắn với bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đặc biệt là của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp quy mô lớn được đẩy mạnh đã cung cấp cho thị trường chứng khoán hàng hóa có chất lượng, tác động mạnh mẽ đến phát triển thị trường vốn, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch và kiểm soát xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng tồn tại một số hạn chế trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay. Điển hình là việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN đề ra.

Theo báo cáo gửi về Bộ Tài chính tính đến hết tháng 11/2018, mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn lại chưa phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN trực thuộc.

Theo kế hoạch cổ phần hóa, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, bao gồm 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 và 64 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2018. Tuy nhiên tính đến tháng 11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên tính đến tháng 11/2018 mới thoái vốn nhà nước tại 18 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chỉ có 02 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017.

Ngoài ra, việc chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *