Doanh nghiệp 17/06/2015 11:06

Thị trường điện máy: Miếng ngon bán cho đại gia ngoại

Nếu như năm 2007, thị trường điện máy gần như thuộc về các doanh nghiệp trong nước thì xu hướng hiện tại cho thấy các đại gia ngoại đang ngày tham gia sâu vào thị trường.

 

Giới kinh doanh điện máy đang đồn đoán về thông tin, hệ thống siêu thị điện máy Pico đã “về tay" Tập đoàn Central Group của tỷ phú Chỉathivat - người giàu nhất Thái Lan. Thông tin chi tiết về thương vụ này chưa được các bên tiết lộ. 

Trao đổi với báo chí, cả 2 bên liên quan là Pico và Central Group đều không xác nhận thông tin trên. Tuy nhiên, cũng không phủ nhận.

Đại diện Pico cho hay: “Năm 2014 và đầu năm 2015 chứng kiến sự thay đổi lớn từ thị trường điện máy. Có nhà bán lẻ rời khỏi thị trường, nhưng cũng có doanh nghiệp gia nhập lĩnh vực này. Đây là giai đoạn không dễ dàng và thị trường cùng với sự khốc liệt của nó sẽ tìm ra người trụ vững và kẻ phải rời khỏi cuộc chơi”. 

Tuy nhiên, theo vị này, trong bối cảnh thị trường bán lẻ điện máy đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc tìm được một hướng đi sáng là điều bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, việc hợp tác với một doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là một doanh nghiệp lớn còn phải đáp ứng rất nhiều điều kiện như sức mạnh thương hiệu, sức khoẻ của hoạt động kinh doanh, hệ thống quản trị và kiểm soát...

Central Group là đại gia Thái được nhắc đến khá nhiều trong vòng 1 năm trở lại đây. Đầu năm 2015 vừa qua, Central Group đã khiến cả thị trường “rúng động” với việc mua lại 49% cổ phần của Công ty đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu chuỗi 21 siêu thị điện máy Nguyễn Kim. 

Central Group cũng rót hàng triệu USD để mở 2 trung tâm mua sắm mang thương hiệu Robins tại Hà Nội và TPHCM cho thấy tham vọng lớn của vị đại gia Thái này với thị trường Việt Nam.

Thị trường điện máy vốn là mảnh đất màu mỡ với sức tăng trưởng đáng nể. Theo một báo cáo mới công bố của Công ty nghiên cứu thị trường GfK TEMAX Việt Nam, trong quý đầu tiên của năm 2015, người tiêu dùng Việt Nam đã chi tới 36 nghìn tỷ đồng cho việc mua sắm các mặt hàng công nghệ điện tử, tăng trưởng tới 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả các nhóm hàng như điện thoại, thiết bị kĩ thuật số, điện dân dụng… đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số.

Tuy nhiên, với việc chạy đua mở rộng chuỗi siêu thị mới đã khiến mật độ siêu thị điện máy trở nên dày đặc khiến môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hết sức khốc liệt.  Một thông tin từ người trong cuộc cho hay, đối với doanh nghiệp bán lẻ lớn, nếu doanh thu chỉ đạt 100-200 triệu đồng/ngày thì chỉ trong vòng 6 tháng đến một năm có nguy cơ rút khỏi thị trường, chỉ những doanh nghiệp đạt doanh thu 700 triệu - 1 tỷ đồng/ngày mới có lãi. 

Chính vì lẽ đó, hàng loạt doanh nghiệp điện máy đã nối gót nhau phá sản trong thời gian qua, trong đó phải kể tới những tên tuổi như: WonderBuy, Best Carings, HomeOne và Việt Long, Topcare.

Những người ở lại, không ít đã chọn giải pháp “bắt tay” với đối tác ngoại để cải thiện tình hình. Trước Nguyễn Kim hay Pico, Trần Anh cũng bán 30% cổ phần cho đối tác Nhật là Tập đoàn điện máy Nojima.

Có thể thấy rõ, nếu như năm 2007, thị trường điện máy gần như thuộc về các doanh nghiệp trong nước thì xu hướng hiện tại cho thấy các đại gia ngoại đang ngày tham gia sâu vào thị trường. Sau những cái bắt tay trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, M&A trong ngành bán lẻ điện máy sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. 

Theo các chuyên gia, đây là xu thế cần thiết cho thị trường Việt Nam vốn đang thiếu nguồn lực. Tuy nhiên, sẽ chỉ những doanh nghiệp tốt mới có thể bán cho khối ngoại bởi đây không chỉ là quá trình thâu tóm mà còn là quá trình chọn lọc những doanh nghiệp tốt, đào thải những doanh nghiệp yếu kém.

 Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *