Doanh nghiệp 20/08/2014 18:15

Tập đoàn tiêu thụ "hộ" nhau 71.000 tỷ đồng sản phẩm

FICA - Sau 2 năm ký thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau, các TĐ, TCT trực thuộc Bộ Công Thương đã giúp nhau tiêu thụ 71.000 tỷ đồng (chưa kể điện, xăng dầu).

Báo cáo sơ kết của Bộ Công thương đánh giá kết quả 2 năm thực hiện “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” cho thấy, nhiều hợp đồng đã được ký kết với tổng giá trị xấp xỉ 71.000 tỷ đồng (chưa kể các hợp đồng mua bán điện, xăng dầu). 

Tính riêng tiêu thụ mặt hàng quần áo bảo hộ lao động đã có giá trị khoảng 55,6 tỷ đồng; giấy in ram và giấy copy 165 tỷ đồng, máy thiết bị điện 4.164,4 tỷ đồng, thép xây dựng 5.200 tỷ đồng...

Bộ Công Thương cho biết, trong 2 năm vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn ưu tiên mua các sản phẩm, thiết bị điện, các máy móc phục vụ xây dựng, các loại vật liệu xây dựng... đã được mua từ các đơn vị sản xuất trong nước. Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn luôn ưu tiên sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh như xi măng Hà Tiên, cáp điện Cadivi, bóng đèn và thiết bị điện Điện Quang, gạch men và thiết bị vệ sinh Vilacera, thép miền Nam... với tổng giá trị lên đến trên 108 tỷ đồng...

Đồng thời, tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước của các tập đoàn, tổng công ty ngày càng tăng cao. Cụ thể: EVN năm 2012 có tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước đạt 42% trên tổng giá trị máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, với giá trị 35.391,7 tỷ đồng và ước 9 tháng đầu năm 2013 đạt tỷ lệ là 48,7% và với giá trị là 32.192 tỷ đồng. 

Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) năm 2012 tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, đạt 60,8%, với giá trị là 6.694,46 tỷ đồng và ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2013 đạt tỷ lệ là 64,8%, với giá trị là 3.400 tỷ đồng. Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam năm 2012 đạt tỷ lệ sử dụng hàng hóa trong nước là 68%, với giá trị là 30.430 tỷ và 9 tháng đầu năm 2013 đạt tỷ lệ là 88% với giá trị là 26.428 tỷ đồng ... Qua  đó, tỷ lệ hàng hóa trong nước được sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh và dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách của nhiều tập đoàn, tổng công ty ngày một tăng cao.

Theo Bộ Công thương, việc thực hiện Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty cũng góp phần giảm tình hình tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; và tăng thị phần tại thị trường trong nước của các sản phẩm từ các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ.

Trước khi Thỏa thuận được ký kết, đến thời điểm ngày 1/9/2012, lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao so, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Những nhóm hàng có chỉ số tiêu thụ giảm đáng kể tập trung vào một số nhóm sản xuất như: giấy nhăn và bao bì, hàng may sẵn, giày dép, sản xuất xi măng, cấu kiện kim loại, linh kiện điện tử, sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối điều khiển điện, sản xuất dây cáp điện và dây dẫn điện tử khác... 

Sau khi Thỏa thuận được ký kết, các chỉ số tồn kho đã có chiều hướng tích cực hơn trước. Đến ngày 1/12/2012, chỉ số tồn kho giảm xuống còn 20,1% (thấp hơn chỉ số hàng tồn kho cùng kỳ năm trước). Thời điểm ngày 1/12/2013 chỉ số tồn kho chỉ còn tăng 10,2, là mức tồn kho bình thường. Đến thời điểm hiện tại, một số ngành có các tập đoàn, tổng công ty tham gia ký kết có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn so với mức tăng chung: sản xuất chế biến thực phẩm, tăng 6,1%, dệt tăng 1,7%, sản xuất thiết bị điện tăng 2,1%.

Thị phần trong năm 2012 của Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam đối với dầu tinh luyện khoảng 87%. Thị phần của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đối với các sản phẩm may mặc khoảng 30%; Thị phần của Tổng công ty Giấy Việt Nam với các sản phẩm giấy in, viết khoảng 30%. Thị phần của Tổng Công ty Thép Việt Nam đối với Thép xây dựng là 37,8%.

Thị phần của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đối với săm lốp xe đạp khoảng 58%, với săm lốp xe máy khoảng 79% và với săm lốp ô tô bias khoảng 50%. Thị phần của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam đối với máy kéo, máy gặt, máy cấy khoảng 25%. Thị phần của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đối với các sản phẩm xăng dầu khoảng trên 50%. Thị phần của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với các sản phẩm LPG khoảng 60%, Thị phần nhựa gia dụng sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 90%...

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *