Doanh nghiệp 20/06/2020 16:30

Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Có vài trăm nghìn hộ dùng điện tăng 300%

Theo EVN, có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Vừa qua, nhiều khách hàng phản ánh tới Dân trí về việc hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt. Có những trường hợp hóa đơn tăng gấp 3, 4 hoặc 5 lần những tháng trước.

Cá biệt có những trường hợp cho biết sống một mình và không gia tăng thêm bất kỳ thiết bị điện nào vẫn nhận được hoá đơn tiền điện tháng 6 là gần 5 triệu đồng, cao gấp 5 lần.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Có vài trăm nghìn hộ dùng điện tăng 300% - 1

Hoá đơn tiền điện tăng gần gấp 5 dù khách hàng này sống một mình.

Trước khiếu nại của người dân về sự nhảy vọt của hóa đơn tiền điện, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã lên tiếng cho rằng đơn vị bán điện cần sớm làm rõ vấn đề này, thậm chí để công tâm, khách quan thì cần một bên thứ 3 vào cuộc.

“Đến hẹn lại lên, năm nào thời điểm này cũng vậy. Một bên mua, một bên bán, ai cũng nghĩ mình đúng, người đứng ngoài cuộc không thể “bênh” ai mà cần cơ quan phân xử cho công tâm, minh bạch”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói với Dân trí.

Trong thông cáo báo chí vừa được gửi đi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra lý giải trước một loạt phản ánh về việc hóa đơn tiền điện tăng bất thường.

Cụ thể theo EVN, trong tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện ở tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh.

Khi vào mùa khô ở miền Nam và mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát (đặc biệt là điều hòa) là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng, EVN cho biết.

Theo số liệu EVN cung cấp, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

EVN cho biết, nếu một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4 là 300 kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (không tính giảm giá do Covid-19).

Nếu sang tháng 5, gia đình này nếu tiêu thụ điện tăng 20% nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%.

Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là 1.160.885 đồng – tiền điện tăng 68,69% so với tháng 5. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán là 1.643.840 đồng - tăng 138,87% so với tháng 4.

Trước nghi vấn của người dân về độ chính xác của công tơ, EVN khẳng định các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa.

“Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ”, EVN cho biết.

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *