Doanh nghiệp 26/08/2014 13:44

SCIC phải góp tối thiểu 1.000 tỷ đồng vào Gang thép Thái Nguyên

FICA - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, SCIC phải xây dựng phương án góp tối thiểu là 1.000 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên với tư cách là cổ đông Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ vừa có kết luận và chỉ đạo sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Dự án).

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương cùng với Tổng công ty Thép Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam rà soát lại và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của các số liệu và nội dung đánh giá hiệu quả Dự án.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng công ty Thép Việt Nam và Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên thực hiện Dự án theo phân kỳ đầu tư và theo đúng tiến độ. Trước mắt, tập trung nguồn lực hoàn thành giai đoạn sản xuất ra gang lỏng và phôi thép.

Căn cứ kết quả thực hiện giai đoạn sản xuất ra gang lỏng và phôi thép, báo cáo Bộ Công Thương để xem xét, chấp thuận việc thực hiện giai đoạn xây dựng xưởng Luyện Cốc và các hạng mục phụ trợ liên quan.

Đồng thời, chấn chỉnh và tổ chức lại bộ máy quản lý, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức triển khai theo đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm Dự án có hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính đôn đốc và giám sát Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ hiện hành của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và cho vay bổ sung vốn tín dụng đầu tư để triển khai tiếp Dự án, bảo đảm tiến độ và hiệu quả.

Đồng thời, chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước xây dựng phương án tham gia góp vốn (tối thiểu là 1.000 tỷ đồng) vào Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp với tư cách là cổ đông Nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 28/8/2014.

Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam được giao theo thẩm quyền xem xét, quyết định việc thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ hiện hành của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, đồng thời tạo điều kiện cho vay Chủ đầu tư vay vốn bổ sung để tiếp tục triển khai Dự án, bảo đảm tiến độ hiệu quả; trường hợp phát sinh vướng mắc, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét, giải quyết.

Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên được phê duyệt cách đây gần gần 10 năm phê duyệt. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan như trượt giá, tăng lãi suất, thay đổi chính sách của Nhà nước và do Dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư.

Theo báo cáo của các cơ quan liên quan, Dự án vẫn còn hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động và có đóng góp nhất định đối với sự phát triển của ngành thép của Việt Nam. Nếu không thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục triển khai Dự án sẽ có hiệu ứng không tốt về kinh tế, an sinh, xã hội và ảnh hưởng đến triển vọng của ngành thép Việt Nam. 

 

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *