Doanh nghiệp 28/06/2019 07:59

Sau vụ Asanzo, các doanh nghiệp được khuyến cáo: Cần “tử tế” với khách hàng của mình

Nhiều siêu thị TPHCM đã ra thông báo nhận đổi trả sản phẩm của Asanzo sau những “lùm xùm” của doanh nghiệp này. Giới luật sư cho rằng, không chỉ có Asanzo mà còn nhiều doanh nghiệp khác cũng đang “lừa” khách hàng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Sau vụ Asanzo, các doanh nghiệp được khuyến cáo: Cần “tử tế” với khách hàng của mình - 1

Nhiều siêu thị đã ra thông báo thu đổi sản phẩm Asanzo.

 Siêu thị nhận đổi sản phẩm Asanzo

Nhiều siêu thị tại TPHCM đã “đồng loạt” thông báo thu đổi sản phẩm tivi Asanzo cho khách hàng.

Cụ thể, hệ thống siêu thị Nguyễn Kim đã đưa ra thông báo thu đổi sản phẩm Asanzo trên toàn hệ thống. Việc thu đổi bắt đầu từ ngày 26/6 đến hết ngày 10/7. Đối tượng áp dụng là những khách hàng đã mua sản phẩm Asanzo tại Nguyễn Kim.

Đại diện hệ thống siêu thị Nguyễn Kim cho biết, hệ thống này đã tạm ngừng kinh doanh mặt hàng tivi Asanzo từ ngày 22/6. Khách hàng mua tivi Asanzo còn hoá đơn mua hàng, còn remote (điều khiển), hoạt động bình thường, không bị nứt, gãy, vỡ sẽ được đổi sang tivi thương hiệu khác và bù thêm chi phí chênh lệch dựa theo giá trị tương ứng ghi trên hoá đơn.

Đại diện hệ thống siêu thị điện máy Thiên Hoà, Thế Giới Di Động cũng chia sẻ, khách hàng mua tivi Asanzo tại những hệ thống này có thể đổi sang loại tivi khác nếu cảm thấy chưa yên tâm về sản phẩm Asanzo.

Sau vụ Asanzo, các doanh nghiệp được khuyến cáo: Cần “tử tế” với khách hàng của mình - 2

Khách hàng mua tivi Asanzo có thể đổi loại tivi khác trong thời gian này. Ảnh: Đại Việt

Đừng lợi dụng lòng tin để "chuộc lợi"

Sau khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo bị “tố” bán hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam thì luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn luật sư TP Hà Nội đã đưa ra những nhận định về vấn đề này.

Luật sư Trương Anh Tú cho biết, trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm "bát nháo" về nguồn gốc, chất lượng. Không ít nhà sản xuất ở Việt Nam đưa ra thông tin sản phẩm rất mù mờ để đánh lừa người tiêu dùng.

Nhiều hãng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là điện lạnh, điện máy, điện tử, hàng gia dụng hay đưa ra câu từ mơ hồ đánh lừa người tiêu dùng như: công nghệ Mỹ, công nghệ Nhật Bản, công nghệ Đức...

“Họ cố tình đưa những thông tin để người dân tin rằng hàng hóa được sản xuất từ các quốc gia đó hoặc nhập dây chuyền máy móc, công nghệ của những quốc gia này về để sản xuất tại Việt Nam. Thế nhưng, sự thật không phải như vậy. Khi bắt lỗi các nhà sản xuất thì họ lập luận là họ không có lừa, họ chỉ nói công nghệ Nhật, Pháp, Đức…thôi”, luật sư Tú nói.

Cũng theo luật sư Tú, từ “công nghệ” quá mơ hồ với người tiêu dùng. Thực tế, trên thế giới chỉ có công nghệ của các nước phương Tây, còn lại là cả thế giới làm theo nên khi giới thiệu công nghệ nước này, công nghệ nước kia là vô nghĩa. Cái người tiêu dùng cần được biết là hàng hóa này chính xác sản xuất ở đâu, làm ra từ doanh nghiệp nào.

Sau vụ Asanzo, các doanh nghiệp được khuyến cáo: Cần “tử tế” với khách hàng của mình - 3

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Ông Tú chia sẻ, hiện rất nhiều doanh nghiệp làm ăn kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” bằng cách nhập, tháo rời từng phần linh kiện về để lắp ráp tại Việt Nam rồi dán mác hàng Việt Nam chất lượng cao, xuất xứ tại Việt Nam...

Các doanh nghiệp đánh vào tâm lý ủng hộ hàng Việt của người dân, trục lợi trên niềm tin của người tiêu dùng. Nếu hàng Trung Quốc được định giá trên thị trường chỉ 1 đồng nhưng gắn thêm chữ “công nghệ Đức, Nhật, Pháp… sản xuất tại Việt Nam” thì ngay lập tức giá trị tăng đến 3 đồng, 5 đồng. Hàng hóa đắt lên một cách vô lý khiến người tiêu dùng rất dễ mắc “bẫy”.

“Thậm chí, doanh nghiệp còn đẩy mạnh quảng cáo, khuếch đại lên rằng họ nghiên cứu ra công nghệ kháng khuẩn, công nghệ Nano, giúp chữa bệnh tim mạch, trong khi thực chất chỉ là máy lọc nước, lố bịch hơn khi doanh nghiệp chỉ là sản xuất vải vóc nhưng lại lòe người tiêu dùng là công dụng tốt cho sức khỏe... Tình trạng này diễn ra khắp cả nước, trong nhiều năm qua”, luật sư Tú nhận định.

Thành viên Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, các doanh nhân Việt cần trung thực với thị trường, người tiêu dùng. Đặc biệt là với các mặt hàng điện tử, điện lạnh, cơ khí chế tạo máy... những lĩnh vực vượt xa tầm tay, doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ lực để sản xuất hoàn chỉnh một sản phẩm.

“Doanh nghiệp hãy cho người dân biết là các doanh nghiệp có ước mơ tạo ra một sản phẩm 100% tại Việt Nam nhưng do hạn chế về vốn, về công nghệ và mới tham gia thị trường nên doanh nghiệp mới phải đi từ những nền móng cơ bản như nhập khẩu về lắp ráp. Khi có tiềm lực tài chính thì doanh nghiệp sẽ tự nghiên cứu, tự sản xuất ra những sản phẩm của mình trong tương lai và mong người tiêu dùng ủng hộ để thực hiện mục tiêu cao đẹp đó”, luật sư Tú nói.

Cũng theo luật sư Tú, người tiêu dùng cần ở các doanh nhân, doanh nghiệp sự chân thành chứ không phải sự giả dối, lợi dụng lòng tin của họ để trục lợi. Đã đến lúc cần thay đổi từ thứ marketing có thiên hướng “lọc lừa” sang marketing “chân thành”, cầu thị.

Đại Việt

Sau vụ Asanzo, các doanh nghiệp được khuyến cáo: Cần “tử tế” với khách hàng của mình - 4

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *