Doanh nghiệp 22/10/2015 10:35

Sau “lùm xùm” chuyển giá, Coca - Cola công bố đóng 20 triệu USD tiền thuế

Chính thức thành lập tại Việt Nam từ năm 1994 và liên tiếp mở rộng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, mãi đến năm 2014, Coca - Cola mới công bố làm ăn có lãi và đóng thuế cho cơ quan quản lý Việt Nam với số tiền 20 triệu USD.


Coca - Cola công bố có lãi 16,6 triệu USD trong năm 2014 sau 20 năm chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Coca - Cola công bố có lãi 16,6 triệu USD trong năm 2014 sau 20 năm chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Đóng thuế sau hơn 20 năm hoạt động

Công ty TNHH nước giải khát Coca - Cola Việt Nam vừa có báo cáo hoạt động năm 2014 gửi Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, năm 2014, công ty này đã đóng 20 triệu USD các loại thuế tại Việt Nam.

Theo báo cáo, với khoản đầu tư mới 300 triệu USD để phát triển kinh doanh tại Việt Nam vào tháng 10/2012 đã góp phần giúp Coca Cola tăng trưởng mạnh và đạt được những kết quả kinh doanh khả quan trong lộ trình phát triển kinh doanh có lợi nhuận tại Việt Nam.

Coca Cola cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2014 lợi nhuận tính thuế của Coca Cola Việt Nam theo báo cáo Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2014 đã gửi đến Cục thuế TPHCM vào thời điểm 31/3/2015 đạt hơn 16,6 triệu USD. Con số này đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013 (7 triệu USD).

"Chúng tôi đang tiếp tục cải thiện hiệu quả kinh doanh trong năm 2015 và cả những năm tiếp theo", báo cáo nêu rõ.

Coca - Cola là một cái tên từng dính vào những nghi vấn liên quan tới chuyển giá. Với doanh thu tăng theo từng năm, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng nhưng Coca - Cola liên tục báo lỗ và chưa từng đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào tại Việt Nam.

Theo các số liệu từng công bố, từ khi được thành lập tại Việt Nam vào tháng 2/1994, lũy kế tới thời điểm cuối năm 2010, công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu hơn 800 tỷ đồng. Năm 2011, công ty này lỗ 39 tỷ đồng và tiếp tục báo lỗ trong 2 năm 2012, 2013. Nguyên nhân thua lỗ được phía Coca - Cola đưa ra là do chi phí nguyên phụ liệu nhập từ công ty mẹ có giá rất cao, chiếm tới 70-85% giá vốn.

Dù liên tiếp báo lỗ nhưng Coca - Cola vẫn rất lạc quan ở thị trường Việt Nam. Cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent tới Việt Nam và tuyên bố rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong ba năm tới. Tháng 6/2014 vừa qua, nằm trong kế hoạch của gói đầu tư 300 triệu USD, Coca Cola cũng đã chính thức cho khánh thành 4 dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam.

Nhiều đại gia vẫn trong vòng nghi vấn

Trên thực tế, hàng loạt các "ông lớn" FDI sau hàng chục năm hoạt động tại thị trường Việt Nam dù liên tục rót vốn mở rộng hoạt động kinh doanh, sản phẩm được nhiều người sử dụng... nhưng vẫn liên tục báo lỗ và chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, trong đó bao gồm hàng loạt "đại gia" như: Metro, Adidas, Pepsico, Nike, Nestle, Keangnam Vina...

Đóng góp tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm 2015 , chuyên gia kinh tế Bùi Trinh và Nguyễn Huy Minh từng chỉ ra nghịch lý, mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi, song sự đóng góp vào tăng trưởng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại rất thấp với hàng loạt các chiêu trò chuyển giá, lãi thật lỗ giả.

"Về cơ bản, khu vực FDI đang lợi dụng các ưu đãi của Việt Nam về chính sách thuế, đất đai và lợi dụng nhân công giá rẻ và gian lận về thuế như khai lợi nhuận nhỏ đi do chuyển giá... làm tăng chi phí đầu vào", nhóm tác giả đánh giá.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành “ngán ngẩm” cho biết: “Câu chuyện chuyển giá hay không chuyển giá tôi đã nói nhiều lắm rồi và không muốn nói thêm gì nữa. Tất nhiên, người ta luôn tìm cách để tăng kết quả kinh doanh lên còn mình là chủ nhà, mình phải có trách nhiệm theo dõi hoạt động của các nhà đầu tư, không chỉ riêng Metro hay doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI)”.

Theo ông Thành, cơ quan quản lý cần có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát một mặt để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động tốt, một mặt không làm tổn hại tới quyền lợi của đất nước.

Nói về các “chiêu trò” chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI, ông Thành cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý thuế cần phải xem xét và lưu ý vấn đề chuyển giá ngay từ khi nhà đầu tư nộp đơn đầu tư, về giá nguyên liệu, giá máy móc nhập khẩu có cao hơn so với thị trường nhiều không? Đến khi đầu tư rồi, hàng bán ra rồi cũng có hàng trăm cách nâng giá thành để giảm lợi nhuận xuống, cán bộ ngành thuế cần được trang bị đủ kiến thức về mọi tình huống để đối phó.

“Mình nói người ta chuyển giá thì phải có các quy định cụ thể về vấn đề này. Câu chuyện Metro chỉ là kinh nghiệm thôi, chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều chiêu trò tinh tế về chuyển giá. Mình chưa đi học nên không biết được tất cả các phương thức chuyển giá như thế nào, bắt đầu từ đâu, dưới hình thức nào, do đó, cán bộ thuế cần phải được đào tạo, được cho sang các nước khác để tham khảo mọi ngõ ngách của chuyển giá thì mới làm được”, ông nói thêm.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *