Doanh nghiệp 18/11/2014 07:20

Sai phạm ở Tập đoàn Cao su:Không xét tới chuyển giá nhưng...

Tập đoàn đã quá mạo hiểm khi trồng đại trà cao su ở Tây Bắc, nơi chưa chắc đã phù hợp giống cây này mà chưa thử nghiệm đến kết quả.

Không loại trừ chuyển giá

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) trong đó chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Phần lớn các sai phạm của VRG là do đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ. Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý về kinh tế số tiền hơn 8.366 tỷ đồng.

 

Theo Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2006 - 2011, mặc dù hoạt động trong môi trường cạnh tranh gay gắt, cộng với tình hình kinh tế thị trường trong và ngoài nước có nhiều biến động, song VRG đã có những bước tăng trưởng bền vững; duy trì và liên tục mở rộng quy mô đầu tư. Thông tin từ VRG cũng cho biết, tổng doanh thu 6 năm này của tập đoàn đạt 116 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận đạt 36 ngàn tỷ đồng và nộp ngân sách 11.800 tỷ đồng.

 

Trao đổi với Đất Việt, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ cho hay, cơ quan thanh tra hầu như không đề cập đến vấn đề chuyển giá trong các sai phạm của VRG.

 

Theo ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trong kinh tế thị trường không loại trừ bất cứ điều gì. Tuy nhiên, muốn biết chắc có hay không đòi hỏi các cơ quan thanh tra, tài chính phải làm rõ.

 

Theo Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mắc nhiều sai phạm
Theo Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mắc nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản

 

"Liên quan đến sai phạm của VRG, đối với một số vụ việc vi phạm pháp luật, có dấu hiệu phạm tội, Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định. Vì thế nếu có động cơ chuyển giá, công an sẽ điều tra làm rõ", ông Dũng nói.

 

Cũng theo ông Dũng, chắc chắn cần xem xét trách nhiệm cá nhân trong những sai phạm của VRG. "Để doanh nghiệp phá sản, hoặc phải giải thể, mất vốn, trong Luật Doanh nghiệp Nhà nước đã quy định rõ phải truy cứu trách nhiệm cá nhân. Nếu làm ăn kém mà cá nhân không tham nhũng, chuyển giá... thì chỉ bị cách chức. Còn có dấu hiệu tham nhũng hay dấu hiệu khác phải truy cứu trách nhiệm hình sự và đền bù".

 

Mạo hiểm trồng cao su ở Tây Bắc

 

Chưa bàn đến những sai phạm của VRG trong chủ trương kinh doanh vốn đã được đề cập đến trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2007, VRG đưa cây cao su lên trồng ở Tây Bắc, đến nay tổng diện tích đã đạt 21.300ha.

 

Cao su là loại cây công nghiệp nhiệt đới điển hình, “sợ” nhất là bão và rét, chỉ thích nghi sinh trưởng và phát triển ở vùng ít gió bão và nhiệt độ thấp nhất không dưới 16 độ. Chỉ cần gió cấp 10 trở lên là cây ngã đổ, trời rét dưới 16 độ cây sẽ chết. Trong khi Tây Bắc là khu vực chịu nền khí hậu cận nhiệt đới, mùa đông lạnh, nền khí hậu trung bình ở Tây Bắc là 12 độ.

 

Còn về độ cao, Tây Bắc độ dốc cao, không ít nơi cây cao su vẫn đưa lên trồng ở độ cao trên 600m - 700m, trong khi cao su không thể trồng ở độ cao trên 500m. Nếu trồng ở độ cao hơn sẽ nảy sinh hai khả năng: cây sẽ chết, hoặc là không chết thì thời gian sinh trưởng của cây sẽ kéo dài, bình thường 5 năm đã cho thu hoạch mủ, nhưng ở Tây Bắc phải 7 - 8 năm.

 

Đất Việt có cơ hội phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung vì được biết ông vừa đi khảo sát trồng cao su cùng đoàn VUSTA ở Sơn La, Hà Giang. Ông cho biết đến nay ở Lai Châu đã là năm thứ 6, ở Hà Giang là năm thứ 3, một vài giống cây cao su được trồng ở nới đất sâu lớp, ít dốc, độ cao dưới 400m có tỷ lệ sống cao đến 95%, sinh trưởng xanh tốt, nhưng vẫn chưa đến tuổi chích mủ nên vẫ lo lắng, chưa thể biết được hiệu quả ra sao.

 

"Là doanh nghiệp, lẽ thường nơi nào chắc chắn có lãi thì mới đầu tư, như vậy mới an toàn. Từ trước tới nay, VRG trồng cao su ở đúng vùng đất dành cho cao su nên có sản lượng ổn định, giá thế giới lại liên tục tăng nên có lãi. Có thể nói, VRG là một trong số ít tập đoàn ít có thua lỗ, rủi ro nhất. Tuy nhiên, họ lại đem cái lãi ấy đầu tư vào những nơi có rủi ro lớn, hoặc giao cho các công ty con đầu tư vào những nơi chưa thử nghiệm.

 

Là doanh nghiệp nhà nước lại có cơ quan khoa học, lẽ ra VRG phải thử nghiệm xong rồi mới trồng cao su đại trà ở Tây Bắc, đằng này họ lại trồng đại trà ngay lập tức. Trong Quyết định số 750 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển cao su của cả nước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 có định hướng phát triển cao su vùng Tây Bắc rằng không phát triển theo phong trào, có bước đi phù hợp. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng, các địa phương quyết định mở rộng diện tích ở những địa bàn có đủ điều kiện để đến năm 2020 toàn vùng đạt khoảng 50 nghìn ha. VRG chưa sản xuất thử, chưa có hiệu quả mà đã trồng đại trà, nghĩa là họ đã rất mạo hiểm. Rủi ro sẽ rất lớn bởi nếu thắng thì họ lãi, nhưng nếu thua thì ngân sách nhà nước hao hụt nặng nề".

 

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung khẳng định rằng, VRG trả lương cho người công nhân góp đất hoặc công nhân làm nông trường cao su cao hơn tất cả những cơ quan khác là đóng góp tốt cho xã hội, nhưng đó không phải là hiệu quả của kinh doanh cao su mà là vì bỏ vốn đầu tư cao hơn người khác vào trả cho công nhân. Còn hiện tại chưa thể biết có bền vững, có lỗ lãi ra sao vì chưa chích nhựa, rủi ro là ở đó.

 

Như vậy, khi thắng lợi thì không sao, nhưng khi thất bại thì đây không thể là lý do hỗ trợ kinh phí để phát triển đời sống cho đồng bào dân tộc miền núi. Mục đích chính của doanh nghiệp là phải bảo tồn được vốn và đạt lãi suất cao nhất, còn mục đích hỗ trợ hay nhân đạo chỉ là mục đích kết hợp, mà nhà nước cần có rất nhiều cơ quan tổ chức chuyên môn cùng kết hợp, mặc dù ai cũng biết doanh nghiệp nhà nước được giao thêm trách nhiệm gương mẫu trong phát triển dân sinh, kinh tế và bảo vệ môi trường.

 

Được hỏi về trách nhiệm đầu tư, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho rằng đối với doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước việc thành công hoặc thất bại không chỉ do tập thể lãnh đạo mà vai trò và năng lực của người đứng đầu phải được khẳng định, tránh tình trạng hiện nay thiệt hại rất lớn về trồng cao su ở miền Trung, phá rừng tự nhiên do phát triển thuỷ điện và cao su ồ ạt ở Tây Nguyên phá vỡ quy hoạch nhà nước mà không một ai phải chịu trách nhiện .

Theo Thành Luân
Đất Việt
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *