Doanh nghiệp 08/04/2014 19:58

Quy mô doanh nghiệp đang nhỏ đi

Sáng 8-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2013 với chủ đề Phát triển DN và chất lượng tăng trưởng.

Xu hướng báo động

Theo Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2013, quy mô bình quân của DN đang có xu hướng nhỏ đi. Nếu tính theo tiêu chí lao động, giai đoạn năm 2007-2011, lao động bình quân trong DN đã giảm từ 47 xuống còn 34 và xuống tiếp còn 32 vào năm 2012, tương ứng với quy mô của DN nhỏ. Điều này phù hợp với thực tế là tỷ trọng DN nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng và nguy cơ Việt Nam thiếu các DN cỡ trung bình đã trở thành hiện hữu. Số lượng DN có quy mô vừa hiện chỉ chiếm 1,96%. Tỷ lệ DN lớn cũng chỉ chiếm 2,25%.

Theo phân tích, sự suy giảm quy mô lao động bình quân của DN bắt nguồn từ sự suy giảm quy mô bình quân của khu vực DN ngoài Nhà nước, loại hình DN vốn chiếm tỷ trọng rất cao trong nền kinh tế. Quy mô bình quân của loại hình DN này đã giảm từ 27 lao động năm 2007 xuống còn 21 lao động năm 2012. Đây là một điểm đáng lưu ý đối với các nhà hoạch định chính sách cần có thêm những chính sách hỗ trợ các DN nhỏ và siêu nhỏ bởi trong thời gian qua, loại hình DN này chưa được quan tâm đúng mức.

Quy mô của DN nếu được tính theo quy mô vốn cũng ghi nhận có sự suy giảm trong năm 2012. Đây cũng là lần đầu tiên quy mô vốn bình quân của DN giảm trong vòng 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân của vấn đề này được báo cáo nhận định là do quy mô vốn bình quân của DN ngoài Nhà nước giảm mạnh. Việc quy mô vốn của khu vực DN ngoài Nhà nước cho thấy thực trạng khó khăn của DN trong năm 2012.

Trao đổi về vấn đề này, Tổng Thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng cho rằng: Chúng ta đang cần những DN có quy mô lớn và trung bình để có đủ khả năng đáp ứng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên để tạo ra năng suất lao động cao, ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt để xuất khẩu hay tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu thì ta cần có những DN có quy mô vừa.

Bà Phạm Thị Thu Hằng cũng cảnh báo: Đây là một vấn đề đáng báo động khi trong báo cáo của VCCI năm 2012 đã thống kê từ năm 2002 đến năm 2011 cho thấy 2/3 DN Việt Nam không thể lớn được, nếu không muốn nói là đang dần nhỏ đi và “biến mất”.

Lạc quan trong sản xuất kinh doanh

Về tình hình kinh tế vĩ mô, báo cáo nhận định, một số yếu tố được DN dự cảm vào cuối năm 2012 khá sát so với thực tế diễn ra vào năm 2013. Điển hình là các yếu tố về nhu cầu thị trường trong nước, tiếp cận thị trường công nghệ, điều kiện hạ tầng giao thông và yếu tố về cấp đất, giải phóng mặt bằng mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, một số yếu tố được DN dự cảm sẽ tốt lên trong năm 2013 nhưng thực tế năm 2013 vẫn chưa được cải thiện, ví dụ nhu cầu thị trường trong nước và tiếp cận vốn vay.

Về chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn cho DN, trong năm 2013, 65,2% DN trong diện điều tra có nhu cầu vay vốn ngân hàng, trong khi tỷ lệ này năm 2012 là 57,3%. Như vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng của DN có xu hướng tăng so với năm 2012. Có 34,8% DN không có nhu cầu vay vốn. Trong những DN không vay vốn, 40,5% lượt nêu lý do vì lãi suất vẫn cao, kinh doanh không đủ hiệu quả để trả lãi; 21,1% do thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; 18,6% do đã tìm được kênh huy động vốn khác, 19,1% do nguyên nhân khác.

Theo kết quả điều tra, nhiều DN có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014. Tỷ lệ này chiếm 50,7%. 42,5% DN được khảo sát có thể mở rộng quy mô kinh doanh và 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh, chỉ có 0,1% DN có thể sẽ phải tạm dừng hoạt động.

DN quyết định mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh là do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, nhóm nguyên nhân triển vọng kinh tế thuận lợi và sẵn có lao động có tay nghề với chi phí cạnh tranh cao được nhiều lượt DN lựa chọn nhất. Tỷ lệ này lần lượt là 42,9% và 40,1%. DN đang kỳ vọng rất nhiều vào những chuyển biến tại thị trường lao động vì đây là thời điểm dễ dàng nhất để DN có thể tuyển dụng được nhân lực đáp ứng ngay được yêu cầu công việc mà có thể không nhất thiết phải đào tạo, thậm chí với cả những vị trí chủ chốt.

Thiết lập cơ cấu kinh tế ngành

Tuy nhiên, để hỗ trợ DN hoạt động tốt hơn trong năm 2014 và thời gian tiếp theo, các chuyên gia tại lễ công bố đã nêu một số khuyến nghị đối với cơ chế chính sách và đối với DN. Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, cần thiết lập cơ cấu kinh tế ngành, vùng phù hợp, phục vụ mục tiêu hiệu quả kinh doanh và phát triển lợi thế cạnh tranh của từng địa phương và của quốc gia. Để làm được việc này, các trọng tâm về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng mà Chính phủ đang theo đuổi phải được thực hiện đồng bộ và nhất quán.

Ngoài ra, cần tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm thông qua đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển giao kiến thức, thu hút FDI, lựa chọn một số ngành có lợi thế cạnh tranh để ưu tiên phát triển, tập trung phát triển một số DN có hiệu quả kinh doanh, có quy mô từ cỡ trung bình trở lên.

Theo ông Trương Đình Tuyển, thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, còn cần phát triển DN gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, phát triển nguồn lực về nhân lực chất lượng cao…

Về phía DN, các chuyên gia khuyến cáo cần quan tâm và thường xuyên cập nhật các chính sách của Chính phủ để tận dụng sự hỗ trợ, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc DN, tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư bằng chiến lược kinh doanh, chú trọng việc cân đối dòng tiền, xây dựng, rà soát và có cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống các định mức chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh.


Theo An Tư

Báo Hải quan

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *