Doanh nghiệp 26/03/2014 16:00

Nợ "khủng" của Vinashin được xử lý như thế nào?

FICA - Trước thời điểm thực hiện tái cơ cấu về tài chính, SBIC phải kế thừa các khoản nợ lớn (chỉ tính nợ gốc, chưa tính lãi) bao gồm nợ các tổ chức tín dụng trong nước 24.623 tỷ đồng; nợ do tự vay các tổ chức tín dụng nước ngoài 600 triệu USD; nhận nợ bắt buộc với các chủ tàu do hủy hợp đồng và các khoản vay có thể đàm phán khác 135,1 triệu USD.

Theo Quyết định số 3287/QĐ-BGTVT ngày 21/10/2013 của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) được thành lập hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó, Công ty mẹ là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là đóng mới và sửa chữa tàu thủy.

 

Trước thời điểm thực hiện tái cơ cấu về tài chính, SBIC phải kế thừa các khoản nợ lớn (chỉ tính nợ gốc, chưa tính lãi) của Vinashin bao gồm nợ các tổ chức tín dụng trong nước 24.623 tỷ đồng; nợ do tự vay các tổ chức tín dụng nước ngoài 600 triệu USD; nhận nợ bắt buộc với các chủ tàu do hủy hợp đồng và các khoản vay có thể đàm phán khác 135,1 triệu USD.

SBIC cho biết, thời gian vừa rồi, lãnh đạo Tổng Công ty đã kiên trì đàm phán, thỏa thuận với các chủ nợ để thực hiện tái cơ cấu từng khoản nợ theo hướng khoanh nợ, giảm nợ gốc, xóa nợ lãi, giảm lãi suất và kéo dài thời gian trả nợ. Đây là giải pháp xử lý nợ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

Giảm hơn 13.000 tỷ đồng nợ gốc và nợ lãi bằng tái cơ cấu nợ

Kết quả được cho biết rất khả quan. Cụ thể, đối với khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước, đến nay Tổng Công ty, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và các tổ chức tín dụng đã hoàn thành việc tái cơ cấu nợ giai đoạn 1 (đối với số nợ gốc là 11.539 tỷ đồng) theo hình thức phát hành trái phiếu hoán đổi nợ, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 8,9%/năm, giảm nợ gốc và nợ lãi được 13.152 tỷ đồng.

Khoản nợ này sau tái cơ cấu còn 3.462 tỷ đồng, Tổng Công ty sẽ trả một lần sau 10 năm (năm 2023). Hiện nay Tổng Công ty đang tiếp tục đàm phán để tái cơ cấu nợ giai đoạn 2 (đối với số nợ gốc là 13.084 tỷ đồng) tương tự như giai đoạn 1.

Đối với khoản nợ Tổng Công ty tự vay các tổ chức tín dụng nước ngoài, vào tháng 10/2013, SBIC và DATC đã hoàn thành việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ trên thị trường Singapore.

Theo phương án này tổng mệnh giá phát hành tính đến ngày 10/10/2013 là 626.799.000 USD (nợ gốc 600.000.000 USD, nợ lãi 26.799.000 USD) tương đương 13.163 tỷ đồng, lãi suất đơn 1%/năm, thời hạn 12 năm, lãi và gốc được thanh toán toàn bộ một lần vào ngày đáo hạn (năm 2025).

Với phương án này quy về giá trị hiện tại thuần (NPV) giảm được 52% nghĩa vụ nợ so với phương án phải thanh toán ngay toàn bộ khoản nợ nếu không thực hiện tái cơ cấu.

Tại khoản nhận nợ bắt buộc với các chủ tàu do hủy hợp đồng và các khoản vay khác, SBIC cho biết đã hoàn thành cơ cấu nợ 112 triệu USD bằng việc mua lại nợ bình quân khoảng 30% khoản nợ gốc. Qua đó đã giảm nợ được khoảng 85 triệu USD tương đương 1.704 tỷ đồng.

Dự kiến, sau khi hoàn thành tái cơ cấu khoản nợ trên, Tổng Công ty sẽ giảm nợ được khoảng 2.000 tỷ đồng. Với lộ trình và kết quả đã đạt được như trên, dự kiến các khoản nợ sẽ được tái cơ cấu xong trong năm 2014.

Sau tái cơ cấu tài chính, các khoản nợ của Tổng Công ty cơ bản sẽ được giảm nợ gốc, xóa và giảm lãi suất, một số khoản nợ sẽ được SBIC thực hiện mua lại. Số nợ còn lại được kéo dài, gia hạn thời gian trả nợ đến năm 2023 và 2025.

Theo tính toán, SBIC sẽ thu từ các nguồn tái cơ cấu (khấu hao, kết quả sản xuất kinh doanh; thu từ sắp xếp 236 doanh nghiệp không giữ lại; thu từ chuyển giao doanh nghiệp, dự án). Tổng các nguồn thu cơ bản đáp ứng được kế hoạch trả nợ, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng quy chế quản lý nguồn thu để tích lũy trả nợ theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

SBIC cho biết hiện đang đẩy mạnh việc tìm kiếm cơ hội liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài, nhân rộng mô hình đã thành công tại một số doanh nghiệp như: Hyundai Vinashin, Damen Sông Cấm... Bước đầu đã có những tín hiệu khả quan với các đối tác lớn như Tập đoàn Samsung, Damen Hà Lan, Veka Hà Lan và một số chủ tàu tiềm năng. Với định hướng này, một số đơn vị có điều kiện tốt (Sông Cấm, Hạ Long, Cam Ranh) sẽ tiếp cận được nguồn vốn, kỹ thuật công nghệ và phương thức tổ chức quản lý tiên tiến, đặc biệt trong tổ chức quản lý thi công, rút ngắn thời gian thi công, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng quốc tế. Các đơn hàng trong nước và các đơn hàng sửa chữa sẽ được tập trung cho các doanh nghiệp còn lại.

Giải quyết lao động dôi dư

Về lao động, tính đến 31/8/2013, Tổng Công ty có tổng số 25.306 người (lao động có việc làm là 17.367 người chiếm 68,63%; lao động không có việc làm là 7.939 người chiếm 31,37%). Trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, Tổng Công ty và các doanh nghiệp đã chủ động giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động phù hợp với quy định đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với các doanh nghiệp chưa có nguồn để chi trả cho người lao động, Tổng Công ty tạm thời được sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh để trả trợ cấp thôi việc, mất việc theo lộ trình cắt giảm lao động. Trên cơ sở thực tế chi trả trợ cấp cho người lao động thuộc Tổng Công ty, Bộ Giao thông vận tải tiến hành thẩm định, Bộ Tài chính thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp từ quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để hỗ trợ cho sử dụng nguồn thu trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp để hoàn trả quỹ.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *