Doanh nghiệp 18/11/2014 14:12

Nhìn từ IPO Vietnam Airlines: Vì sao NĐT nước ngoài không "mặn mà" với cổ phần hóa DNNN?

FICA - Việc lo ngại về tính thanh khoản của cổ phiếu và tỷ lệ cổ phần chào bán ra bên ngoài quá nhỏ được cho là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài không mấy mặn mà với IPO của DNNN.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bán hết hơn 49 triệu cổ phần chào bán, thu về 51,3 triệu USD trong lần phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tuần trước. 

Cụ thể, trong tổng số 49 triệu cổ phần chào bán của Vietnam Airlines, tương đương khoảng 3,5% vốn điều lệ, nhóm nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua ròng hơn 120 nghìn cổ phần. 2 nhà đầu tư và hơn 1.570 nhà đầu tư cá nhân trong nước chia nhau mua gần 49 triệu cổ phần còn lại.

Theo đánh giá của Bloomberg, đợt IPO của Vietnam Airlines đã thất bại trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy những thách thức phải đối mặt trong quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 173 triệu USD cổ phiếu của Việt Nam trong năm nay, hướng đến năm thứ 8 liên tiếp mua ròng. Tuy nhiên, việc lo ngại về tính thanh khoản của cổ phiếu và tỷ lệ cổ phần chào bán ra bên ngoài quá nhỏ được cho là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài không mấy mặn mà với IPO của hãng hàng không quốc gia này. 

Bloomberg cho rằng, sự thiếu nhiệt tình của các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra thách thức đối với người đứng đầu Chính phủ khi đang tìm cách thúc đẩy việc bán tài sản sau khi các doanh nghiệp nhà nước vay mượn quá nhiều khiến hệ thống ngân hàng chịu gánh nặng nợ xấu và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

"Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn quá thận trọng khi tham gia vào các đợi IPO như tại Vietnam Airlines bởi họ cảm thấy việc cải cách đến cùng các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra quá chậm", Patrick Mitchell, Trưởng Bộ phận bán hàng của Công ty chứng khoán VinaSecurities cho biết.

Chậm niêm yết

Chỉ số VN-Index tăng 19% trong năm 2014, tuy nhiên, không có một doanh nghiệp nào trong số 40 doanh nghiệp nhà nước đã bán cổ phần ra công chúng trong năm nay được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Trong khi đó, giá cổ phiếu của các công ty tại các công ty ở các nước mới nổi khác thuộc khu vực châu Á IPO trong năm nay đã tăng trung bình gần 60%, theo dữ liệu của Bloomberg.

Chính phủ Việt Nam đã thu về 3,2 nghìn tỷ đồng từ 40 đợt IPO trong năm nay, tính tới giữa tháng 11, thấp hơn so với mục tiêu cả năm là 4,9 nghìn tỷ đồng. Trong năm sau, dự kiến sẽ có khoảng 400 công ty được cổ phần hóa.

Vietnam Airlines đã được lên kế hoạch IPO từ khoảng năm 2008. Lãnh đạo của hãng hàng không này cho biết, dự kiến cổ phiếu của Vietnam Airlines sẽ được niêm yết trong vòng 1 năm sau khi hoàn tất cổ phần hóa vào tháng 3 năm sau. Vietnam Airlines cũng chưa quyết định sẽ niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội hay TPHCM. 

Theo báo cáo đánh giá của Công ty chứng khoán Sài gòn (SSI), Vietnam Airlines hiện đang hoạt động tại 39 nước, mở 52 đường bay quốc tế với 83 máy bay. Báo cáo từ nhà tư vấn IPO cho Vietnam Airlines là công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, năm 2013 hãng này phục vụ hơn 20,7 triệu khách hàng, tăng hơn 18% so với năm 2012. Lượng du khách tại Việt Nam dự báo sẽ tăng 15%/năm cho tới năm 2018.

Cuộc chơi tăng trưởng

"Tôi thích cổ phiếu của Vietnam Airlines bởi tiềm năng tăng trưởng du lịch tại Việt Nam và ngày càng có thêm nhiều người Việt Nam sử dụng máy bay hơn", chuyên gia từ VinaSecurities nói. 

Tuy nhiên, việc chào bán một lượng nhỏ cổ phần khiến các nhà đầu tư nước ngoài giảm bớt hứng thú với cổ phiếu Vietnam Airlines. Mặc dù thương vụ IPO của Vietnam Airlines lớn thứ 2 tại Việt Nam trong năm nay nhưng vẫn không thấm vào đâu so với hơn 494 triệu USD IPO của hãng hàng không trong cùng khu vực là Bangkok Airways. Hãng hàng không Bangkok Airways chỉ có 24 tuyến quốc tế và số lượng máy bay ít hơn 1/3 của Vietnam Airlines.

Nhà đầu tư lo ngại, việc Chính phủ nắm giữ quá nhiều cổ phần tại Vietnam Airlines sẽ khiến các nhà đầu tư thiểu số sẽ có ít tiếng nói trong hoạt động của công ty. Thêm vào đó, tại thị trường Việt Nam, các đối thủ cạnh tranh cũng đang gia tăng một cách nhanh chóng.

Vietjet Air, một hãng hàng không tư nhân giá rẻ, đã tăng thị phần lên 26% trong năm 2013, tăng gấp 3 lần so với năm 2012. Jetstar Pacific, một công ty con của Vietnam Airlines, có chi phí thấp hơn công ty mẹ nhưng hiện cũng nắm tới 15% thị phần.

Cải tổ chương trình IPO

Theo Bloomberg, Chính phủ hồi tháng trước đã thành lập một nhóm làm việc chính thức để cải tổ chương trình IPO. 

Theo bà Nguyễn Hoàng Lan, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội, vấn đề về tỷ lệ sở hữu Nhà nước sau khi cổ phần hóa cũng được bàn thảo.

Michel Tosto, người đứng đầu bộ phận bán hàng của công ty chứng khoán VietCapital cũng cho rằng, quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam còn thiếu công khai. Theo đó, Chính phủ cần phải thuê các công ty chứng khoán chuyên nghiệp hơn để chịu trách nhiệm về các đợt IPO.

Phương Dung

Theo Bloomberg

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *