Doanh nghiệp 15/09/2017 09:41

Nhiều tập đoàn trong Top 500 toàn cầu chọn Việt Nam để đầu tư

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đến 6/2017, Việt Nam đã thu hút hơn 23.700 dự án FDI từ 120 quốc gia, đối tác với tổng vốn đăng ký khoảng 310 tỷ USD. Nhiều tập đoàn trong Top 500 toàn cầu đã chọn Việt Nam để đầu tư trung tâm sản xuất khu vực và kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngày 14/9, tiếp tục chương trình thăm làm việc tại Thụy Sỹ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tham dự và phát biểu tại Phiên họp lần thứ 64 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), diễn ra tại Giơ-ne-vơ.

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh chính trị - kinh tế thế giới đang biến chuyển sâu sắc, UNCTAD cũng như các định chế của Liên hợp quốc cần thiết và hoàn toàn có thể nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố bộ máy, đổi mới về cơ chế hoạt động.

“Việt Nam ủng hộ Nghị sự của UNCTAD với các chương trình, kế hoạch thiết thực tập trung thúc đẩy hệ thống thương mại quốc tế dựa trên cơ sở luật lệ, minh bạch, bao trùm, không phân biệt đối xử và phục vụ cho sự phát triển.

Là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, mở cửa trong quan hệ với các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cho biết, sau hơn ba thập kỷ Đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; tăng trưởng GDP bình quân trong 30 năm qua luôn trên 6%/năm, từ năm 2008, Việt Nam đã thuộc Nhóm quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình.

Đến năm 2016, GDP đạt trên 220 tỷ USD, thu nhập bình quân của 93 triệu người dân đạt khoảng 2.300 USD (nếu tính theo PPP đạt 6.300 USD). Tháng 9/2015, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia được Liên hợp quốc vinh danh về hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ MDG, theo đó nổi bật là thành tích giảm nghèo. Theo Ngân hàng Thế giới, hiện nay có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc Nhóm thu nhập trung bình, dự kiến đến 2035 tỷ lệ này sẽ là 30%.

Sau 10 năm gia nhập WTO, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, đạt 350 tỷ USD và sẽ cán mốc 400 tỷ USD vào cuối năm nay, gấp 1,6 lần GDP, thể hiện độ mở mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam.

“Đến 6/2017, Việt Nam đã thu hút hơn 23.700 dự án FDI từ 120 quốc gia, đối tác với tổng vốn đăng ký khoảng 310 tỷ USD. Nhiều tập đoàn trong Top 500 toàn cầu đã chọn Việt Nam để đầu tư trung tâm sản xuất khu vực và kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu.” - Phó Thủ tướng thông tin.

Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA, trong đó có những FTA có tiêu chuẩn cao. Dự kiến, khi thực hiện tất cả các FTA này, Việt Nam sẽ nằm trong mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với 56 đối tác trên thế giới, bao gồm tất cả các nước G7 và 15/20 thành viên Nhóm G20, mở ra không gian rộng lớn cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chứng kiến Lễ ký 3 thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam với một số tổ chức quốc tế tại Giơ-ne-vơ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chứng kiến Lễ ký 3 thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam với một số tổ chức quốc tế tại Giơ-ne-vơ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nỗ lực hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động vì người dân, doanh nghiệp; tập trung cải cách thể chế pháp luật; đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, với mục tiêu tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân 6,5-7%/năm trong 2017-2020.

“Việt Nam đã và đang chủ động thúc đẩy quan hệ với các nước và các đối tác trên tinh thần “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”” - lãnh đạo Chính phủ nói.

Năm 2017, Việt Nam là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Việt Nam đã tích cực xây dựng Chương trình nghị sự với các mục tiêu hướng vào tăng cường liên kết, thúc đẩy thương mại và hợp tác phát triển bền vững, bao trùm.

Việt Nam hiện là thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 và đang ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *