Doanh nghiệp 18/05/2015 09:14

Nhân viên BIDV thu nhập bình quân 20,7 triệu đồng/tháng

FICA – BIDV đã tăng gần 4% tổng chi phí nhân viên trong quý I giữa bối cảnh lãi tăng 2,4% so cùng kỳ song nợ xấu tăng mạnh gần 15% sau 3 tháng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng gần 18%.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã chứng khoán BID) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) riêng quý I/2015 cho thấy, tổng số cán bộ công nhân viên của ngân hàng mẹ BIDV tại ngày 31/3/2015 là 18.202 người.

Trong quý I, tổng chi phí cho nhân viên mà ngân hàng trích ra là 1.130,1 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 3,94%. Như vậy, tính bình quân, thu nhập mỗi nhân viên ngân hàng nhận được trong quý I vừa rồi là 20,7 triệu đồng/người/tháng.

Quý vừa rồi, BIDV ghi nhận lãi sau thuế 1.441,7 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nguồn thu vẫn phụ thuộc lớn vào “ăn” chênh lệch lãi suất cho vay và huy động. Theo đó, thu nhập lãi thuần đạt 4.262,1 tỷ đồng, tăng mạnh 14,4% so cùng kỳ 2014. Trong khi đóng góp của mảng dịch vụ là 393,5 tỷ đồng lãi thuần, tăng 26,1%.

Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư vẫn ghi nhận lỗ, lần lượt 40,2 tỷ đồng và 12 tỷ đồng trong quý đầu 2015. Lãi thuần từ hoạt động khác 224 tỷ đồng, tăng 35% so cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng huy động 3 tháng đầu năm là 5,2% với tiền gửi khách hàng tại thời điểm 31/3 ở mức 464.213,6 tỷ đồng.

Trước dự phòng rủi ro tín dụng, BIDV có lãi 2.912,1 tỷ đồng, tăng 15,6% so cùng kỳ. Tuy nhiên, sau khi trừ đi chi phí dự phòng rủi ro tín dung, ngân hàng còn lãi trước thuế 1.840,6 tỷ đồng, chỉ cao hơn cùng kỳ xấp xỉ 2%.

Trong kỳ, BIDV phải nâng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên 1.071,5 tỷ đồng, cao hơn 357 tỷ đồng so với con số trích lập cùng kỳ. Nguyên nhân do chất lượng tín dụng cho vay giảm sút.

So với thời điểm đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng của BIDV đạt 4,4% với tổng dư nợ cho vay là 463.076 tỷ đồng. Tuy nhiên, song song với đó, tổng nợ xấu của ngân hàng cũng tăng mạnh 14,94% lên 10.207,4 tỷ đồng.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 12,1% lên 5.206,1 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 18,3% lên 1.263,7 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 17,9% lên 3.737,6 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của BIDV tại ngày 31/3/2015 là 2,2% tổng dư nợ tín dụng, cao hơn so với mức 2% của thời điểm 31/12/2014.

Thuyết minh BCTC của BIDV cho biết, các khoản cho vay một số công ty thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin – nay là Tổng công ty SBIC) và một số đơn vị thành viên và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được phân loại nợ và trích lập dự phòng theo văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về việc xem xét khoanh và cơ cấu lại các khoản nợ cũ của Vinashin, Vinalines. Theo đó, BIDV trích lập dự phòng cụ thể theo khả năng tài chính của ngân hàng. Đối với các khoản cho vay mua và đóng mới tàu biển của Vinalines, ngân hàng cũng thực hiện phân loại nợ theo văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước.

Mai Chi

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *