Nguyên Liệu 06/12/2013 10:53

Vì sao vốn ngoại không chảy vào ngành khoáng sản?

FICA - Theo các nhà đầu tư nước ngoài, do cơ chế quản lý thuế và những quy định khác về lĩnh vực khai thác khoáng sản quá chặt chẽ, thiếu nhất quán của Việt Nam mà những nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cần thiết đã không đến được với Việt Nam.

Xếp thứ hạng 95/96

Báo cáo tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2013, Nhóm công tác khoáng sản cho biết, do cơ chế quản lý thuế và những quy định khác về lĩnh vực khai thác khoáng sản quá chặt chẽ, thiếu nhất quán của Việt Nam mà những nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cần thiết để Việt Nam xây dựng ngành khoáng sản trở thành một bộ phận quan trọng, có đóng góp bền vững cho tăng trưởng kinh tế của đất nước đã không đến được với Việt Nam.  
Theo nhóm công tác khoáng sản, lý do khiến vốn đầu tư không chảy vào Việt Nam là vì cảm nhận của quốc tế rằng cơ chế chính sách của Việt Nam về ngành khoáng sản còn rất yếu. Việt Nam hiện đứng thứ 95 trên tổng số 96 nước/vùng lãnh thổ được khảo sát trên thế giới bởi một đơn vị uy tín là Viện Fraser của Canada.

Trong khi đó, một nước láng giềng của Việt Nam là Lào đã áp dụng chính sách khuyến khích đầu tư Thỏa thuận Thăm dò Khai thác Khoáng sản (MEPA) từ đầu thập niên 1990. Sau 20 năm áp dụng, MEPA đã phát huy tác dụng trong khuyến khích đầu tư, giúp Lào phát hiện, khai thác được những mỏ lớn, đem lại nhiều nguồn lợi cho nền kinh tế Lào.  

Theo Hội đồng Khoáng sản Kim loại Quốc tế (ICMM), ngành khoáng sản của Lào hiện chiếm tới 80% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 45% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo 12% nguồn thu cho nhà nước và 10% thu nhập quốc dân. Trái lại, tỉ lệ của ngành khoáng sản trong thu nhập quốc dân của Việt Nam chỉ là 1%, nếu trừ thu nhập từ dầu khí.

Việt Nam có nguồn khoáng sản dồi dào nhưng gần như chưa được khai phá ở độ sâu dưới 100 mét do ở độ sâu này cần những công nghệ, kinh nghiệm thăm dò hiện đại để khai thác, với điều kiện Việt Nam có cơ chế khuyến khích phù hợp.  

Tăng thuế làm nản lòng nhà đầu tư

Theo nhóm công tác khoáng sản, Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất tăng thuế khoáng sản và hiện đang được Ban thường vụ Quốc hội xem xét.  Để so sánh, thuế khoáng sản đối với vàng của Việt Nam hiện nay là 15%, trong khi mức thuế khoáng sản chung đối với khai thác vàng trên khắp thế giới, như trình bày trong số liệu khảo sát năm 2012 của PricewaterhouseCoopers chỉ là 1-5%.

"Nếu chủ trương này được chấp thuận, việc tăng thuế khoáng sản sẽ càng làm nản lòng các nhà đầu tư vào ngành khoáng sản của Việt Nam, chưa kể những dự án hiện nay có thể sẽ phải buộc giảm hoạt động hay đóng cửa", báo cáo viết.

Nhóm công tác cũng cho rằng, chủ trương này nhiều khả năng sẽ làm gia tăng tình trạng khai thác bất hợp pháp, làm thoái hóa nguồn khoáng sản hiện có của Việt Nam do hành vi khai thác chọn lọc, có nghĩa là chỉ chọn khai thác những phần trữ lượng có phẩm cấp cao để đảm bảo mức lợi suất kinh tế bù đắp cho mức thuế cao hoặc do đơn vị khai thác không có những phương pháp khai thác hiệu quả theo tiêu chuẩn quốc tế để khai thác những phần quặng phẩm cấp thấp. Hậu quả sẽ là một tỉ trọng đáng kể nguồn tài nguyên khoáng sản của Việt Nam bị lãng phí hay không khai thác được, mà phần nhiều sẽ là vĩnh viễn, vì để quay lại khai thác trữ lượng phẩm cấp thấp còn lại sẽ không khả thi về mặt kinh tế.

Hơn nữa, tăng thuế tài nguyên sẽ dẫn đến tác dụng ngược so với những gì Bộ Tài chính mong muốn. Thay vì làm tăng nguồn thu cho ngân sách, chủ trương này sẽ chỉ làm giảm sâu thêm nguồn đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản, từ đó làm giảm nguồn thu cho nhà nước và cả địa phương.

Vì vậy, nhóm công tác cho rằng có nhiều lý do để Việt Nam cần hạ thuế suất về mức chung của thế giới, không tăng thuế, cũng như có những chính sách mới để tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với những nước giàu tài nguyên khác nhằm thu hút đầu tư.  

Giải pháp này sẽ khuyến khích hoạt động thăm dò, tăng trữ lượng khoáng sản của Việt Nam nhờ phát hiện mỏ mới bằng các phương pháp công nghệ mới. Đồng thời, tạo điều kiện khai thác nguồn tài nguyên của Việt Nam một cách có trách nhiệm, hiệu quả, an toàn; Thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng và các ngành dịch vụ ở miền núi, vùng sâu vùng xa là những nơi thường phát hiện được mỏ.    

"Nhóm Công tác Khoáng sản rất hy vọng chính phủ sẽ có biện pháp nâng cao lòng tin của nhà đầu tư vào ngành khoáng sản của Việt Nam để ngành này trở thành một bộ phận khả thi, hiện đại, an toàn và chủ chốt của nền kinh tế, và quan trọng hơn là sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam", nhóm công tác cho biết. 

Phương Dung

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *