Nguyên Liệu 04/09/2014 07:02

Nửa vời... cơ chế quản lý xăng dầu

Dự thảo nghị định mới xây dựng nhằm thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường xăng dầu lại được Bộ Công Thương đem ra lấy ý kiến.

Tuy nhiên, dự thảo mới đã không nhận được sự đồng tình.


Theo đề xuất của Bộ Công Thương tại dự thảo nghị định mới, giá bán lẻ xăng dầu tiếp tục được xây dựng trên "nền" giá cơ sở. Thay đổi lớn của dự thảo này so với Nghị định 84/2009/NĐ-CP hiện áp dụng là thay đổi về biên độ điều chỉnh giá bán lẻ.

Đồng thời, dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đề xuất "kéo" dài thời gian dãn cách giữa 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp thêm 5 ngày so với mức hiện tại. Như vậy, dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu lần này là sự tiếp tục của nguyên tắc áp dụng "cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước" trên thị trường xăng dầu quốc gia.

Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương:

Nghị định mới vẫn theo hướng để DN đầu mối xăng dầu được tự định giá trong phạm vi 5%. Theo đó, giá cơ sở - gồm 3 khoản cấu thành: Giá mua hàng của DN đầu mối, các khoản thu hộ nhà nước và các khoản DN đầu mối phải có (chi phí bình quân xã hội) và được hưởng (lợi nhuận định mức). Bộ Tài chính hoặc một cơ quan độc lập mua thông tin của Hãng Reuters (Platts) tính toán đúng công thức, công bố hàng ngày để người dân giám sát; DN sử dụng tính toán, đối chiếu và phóng viên báo chí đưa tin.

Trong điều kiện bình thường, tùy thuộc vào giá xăng dầu lên hoặc xuống trong phạm vi 5%; căn cứ vào quy định của Nhà nước, DN đầu mối điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán tương ứng.

Trong điều kiện giá xăng dầu thế giới tăng trên 5% hoặc giá bán xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội hoặc đời sống nhân dân thì Nhà nước nắm lấy quyền quyết định giá nhưng thông qua các công cụ thuế, phí, Quỹ Bình ổn... Và tất cả vẫn theo nguyên tắc thị trường: Nhà nước không bù lỗ, DN đầu mối tham gia bình ổn phải được bù đắp đầy đủ chi phí kinh doanh, chi phí lưu thông (không để phát sinh lỗ tại DN đầu mối).

Chúng ta cố gắng không nên để lặp lại tình huống: Điều hành giá bằng giải pháp hành chính là chủ yếu làm cho DN đầu mối lỗ nhưng không có cách nào bù đắp cho DN thực hiện nhiệm vụ này (bởi Nghị định 84 xác định “không bù lỗ” nên cũng không thể dùng ngân sách để bù lỗ). Trong khi đó, công chúng và báo chí thì nghi DN “lỗ giả lãi thật”, đánh giá DN là làm ăn không hiệu quả, không bảo toàn phát triển được vốn, không bảo đảm quyền lợi của cổ đông - nhà đầu tư.

TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia về giá

Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nếu theo tinh thần dự thảo nghị định mới, sẽ trích thường xuyên. Nếu vậy thì không đúng tinh thần của một quỹ bình ổn. Đúng ra khi giá thế giới giảm mới nên trích quỹ. Khi giá thế giới tăng mà vẫn trích theo kiểu "thường xuyên" thì lúc này quỹ không còn tính chất bình ổn mà khiến giá đã cao phải đội thêm một khoản phí khiến tăng cao hơn nữa. Như thế, người tiêu dùng luôn phải ứng trước một khoản tiền dự phòng cho tăng giá.

Bên cạnh đó, theo tôi, hiện nay chỉ người tiêu dùng có trách nhiệm đóng quỹ bình ổn giá xăng dầu là không hay. DN cũng là một bên tham gia, tại sao họ không đóng? Dù ít hay nhiều, DN nên trích một phần lợi nhuận của mình đóng vào quỹ để chia sẻ với người tiêu dùng và tăng trách nhiệm của họ khi sử dụng quỹ.

Nhà nước hoàn toàn có thể đảm bảo nguồn thu bằng tỷ lệ nhất định thu từ lợi nhuận kinh doanh xăng dầu.

Hơn nữa, xăng dầu của ta thực chất vẫn chưa có thị trường thực sự mà độc quyền nhóm (Petrolimex vẫn nắm vị trí thống lĩnh với trên 50% thị phần). Do vậy, dù là biên độ hẹp 5% thì cũng không nên cho DN tự tăng giá.

Nghị định nói liên bộ giám sát chỉ là nói cho có thôi, bởi đã cho DN quyết thì Nhà nước giám sát gì? Anh chỉ theo dõi chứ không có quyền gì để buộc DN không được tăng 5% cả. Rõ ràng người dân tưởng Nhà nước có giám sát nhưng thực tế không có tác dụng gì. Vì vậy, vẫn nên quy định giá trần cho xăng dầu.

Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu:

Tổng thể hành lang pháp lý về quản lý điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết dứt điểm. Thực trạng hiện nay là cứ khi nào cơ quan chức năng đẩy mạnh, tập trung giám sát quá trình điều hành giá xăng dầu thì thị trường tạm được ổn định, còn khi nào các cơ quan chức năng lơ là thì lại biến động ngay lập tức. Do vậy, cần phải có biện pháp quyết liệt để giải quyết được vấn đề này.

Không nên dùng các từ định tính, như "điều hành thuế nhập khẩu phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ" hay việc dùng quỹ bình ổn khi "việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân". Cần quy định con số cụ thể, hoặc rõ ràng hơn như "khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành" thì dùng quỹ bình ổn. Hay thuế nhập khẩu, phải ổn định trong vòng một năm. Điều này vừa giúp Nhà nước có nguồn thu ổn định, vừa giúp DN không bị động và minh bạch hóa hoạt động điều hành, tránh chủ quan, duy ý chí.

Theo Giang Nam

DĐDN

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *