Nguyên Liệu 02/03/2014 14:04

Ngành da giầy "đau đầu" với bài toán nguyên liệu và môi trường

FICA - Dù năng lực sản xuất da thành phẩm trong nước tăng gấp 3 lần so với 2006 xong mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu da thuộc cho sản xuất hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng đau đầu với việc xử lý nước thải trong sản xuất để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Phát biểu khai mạc Hội nghị "Phát triển ngành công nghiệp thuộc da Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế" mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, hiện nay Việt Nam đang tiến hành đàm phán TPP và các FTA, cùng với dệt may và thủy sản, giầy dép là một trong ba mặt hàng được ưu tiên quan trọng trong đàm phán.

Theo Thứ trưởng Thoa, Hiệp định TPP sẽ tạo cơ hội cho ngành công nghiệp da giầy Việt Nam thâm nhập vào khu vực thị trường lớn. Đặc biệt với mức thuế suất ưu đãi giảm từ mức 14,3% về 0% sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh cho ngành da giầy Việt Nam khi tham gia vào các thị trường của TPP.

Ngoài ra, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (FTA EU) có hiệu lực, các sản phẩm da giầy của Việt Nam cũng sẽ được nâng cao lợi thế khi tiếp tục được hưởng thuế trong Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) từ đầu năm 2014 tại các thị trường này.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi khi các hiệp định có hiệu lực thì các lĩnh vực nói trên cũng phải đáp ứng những yêu cầu bắt buộc, đặc biệt là về tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm. Điều này đòi hỏi trong nước phải đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ. Đối với lĩnh vực da giầy thì phát triển và nâng cao chất lượng công nghiệp thuộc da là ưu tiên hàng đầu.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,3 tỷ USD giầy dép các loại (trong đó hơn 50% là giầy dép có sử dụng da thuộc); 1,7 tỷ USD túi cặp (sản phẩm từ da thuộc chiếm 40-50%).

Năng lực sản xuất trong nước: 350 triệu sqft/năm, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2006, trong đó 60% phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu

EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Bra-xin là các đối tác lớn nhát nhập khẩu giầy dép của Việt Nam. Tổng kim ngạch của 5 thị trường này đạt 5,77 tỷ USD, chiếm tổng KNXK giầy dép của cả nước (2012).


Dù năng lực sản xuất da thành phẩm trong nước tăng gấp 3 lần so với 2006 xong mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu da thuộc cho sản xuất hàng xuất khẩu. Để nâng cao năng lực sản xuất của ngành công nghiệp thuộc da, hầu hết ý kiến tham luận tại Hội nghị đều tập trung vào vấn đề nguồn nguyên liệu và xử lý nước thải trong sản xuất.

Theo ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, trong những quy hoạch trước đây, vấn đề phát triển công nghiệp thuộc da đã được đề cập nhưng đến hiện nay vẫn chưa giải quyết được. Việc sản xuất da thuộc mới chỉ đáp ứng 40% cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu da thuộc từ nước ngoài. Điều này đã làm mất đi giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu.

Nguyên nhân của tình trạng này chính là việc Việt Nam còn hạn chế trong nguồn nguyên liệu. Việc chăn nuôi trâu bò lấy thịt chưa được hình thành, da thuộc được lấy chủ yếu lấy từ trâu bò kéo ko đảm bảo chất lượng. Do đó, ngành thuộc da muốn phát triển phải gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, để tăng gia trị cho các sản phẩm thuộc da, ngành da giày nên bắt tay với dệt may để sản xuất các sản phẩm thời trang.

Còn theo ông Tăng Văn Đức – Giám đốc Công ty thuộc da Hào Dương, vấn đề được các doanh nghiệp thuộc da “đau đầu” chính là việc xử lý nước thải trong sản xuất để tránh gây ô nhiễm môi trường. “Việc xử lý nước thải trong sản xuất có khi còn tốn kém hơn xây dựng một nhà máy mới. Điều này quá sức với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân”, ông Đức cho biết.

Do đó, ông Đức kiến nghị, Bộ Công Thương nên xem xét để quy hoạch từ 1 đến 2 khu công nghiệp chuyên thuộc da đề tập trung sản xuất, hỗ trợ trong việc xử lý ô nhiễm môi trường. Đồng thời, Bộ Công Thương cùng các Bộ liên quan nên xây dựng một bộ quy chuẩn kỹ thuật về thuộc da cũng như tiêu chuẩn về xử lý nước thải trong sản xuất.

Tập trung vào mặt hàng có giá trị cao là thuộc da nốt sần khi đầu tư trang trại nuôi cá sấu và đà điều, song Công ty Khatoco Khánh Hòa vẫn gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Theo đại diện Công ty này cho biết, nguồn nguyên liệu của mặt hàng này mới chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt, nếu có đơn hàng lớn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ.

Bên cạnh đó, nguồn cung các sản phẩm hóa chất trong nước cũng hạn chế, khiến doanh nghiệp phải nhập từ nước ngoài làm ảnh hưởng đến giá thành, giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm thuộc da Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng gặp phải khó khăn khi nguồn nhân lực yếu, chưa có trường đào tạo. Nguồn lao động chủ yếu là lao động lâu năm, đa phần các kỹ sư hóa khi làm việc tại Công ty phải trải qua 1 khóa đào tạo ngăn hạn.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm da giày thì phải giải quyết được các vấn đề trên. Về nguồn nguyên liệu, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam 100% sử dụng nguyên liệu đầu vào là da súc vật trong nước. Do đó, cần đẩy mạnh sự phối hợp với ngành chăn nuôi để tăng nguồn nguyên liệu, tạo đầu ra cho bà con chăn nuôi.

Đối với việc xây dựng khu công nghiệp tập trung cho thuộc da, Bộ Công Thương sẵn sàng tạo điều kiện về cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể cho lĩnh vực này. Bộ Công Thương cũng sẽ làm việc với các trường đào tạo của Bộ để xây dựng các khoa hoặc các bộ môn về da giầy nhằm bổ sung nhân lực cho ngành công nghiệp này.

Phương Dung

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *