Nguyên Liệu 27/05/2014 19:12

Không chỉ áp giá trần với 25 sản phẩm sữa trẻ dưới 6 tuổi

FICA - Từ 21/6 tới, Bộ Tài chính sẽ áp giá trần bán lẻ sữa cho trẻ dưới 6 tuổi và cũng không chỉ 25 sản phẩm sữa vừa công bố, mà các mặt hàng sữa khác dành cho đối tượng trên cũng bị áp giá tối đa theo quy định.

Chiều 27/5, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo thông tin về biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), việc “áp” giá trần đối với sữa cho trẻ dưới 6 tuổi không chỉ giới hạn ở 25 nhãn hàng vừa công bố.

Sở dĩ, Bộ Tài chính chọn 25 mặt hàng sữa trong danh mục công bố để áp trần giá sữa là do: Khi thanh tra 5 doanh nghiệp sữa (Công ty Cổ phần sữa Việt Nam, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam), Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition - Việt Nam) thì các doanh nghiệp này đã chiếm tới 90% thị phần sữa tại Việt Nam và 25 sản phẩm sữa công bố lần này cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng chiếm trên 60% thị phần sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Theo đó, ông Tuấn cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục từng bước điều chỉnh và ngay trong quyết định áp trần giá sữa, Bộ cũng quy định các sản phẩm còn lại phải căn cứ vào đây và phương pháp hướng dẫn để doanh nghiệp đăng ký giá với cơ quan Nhà nước. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục công nhận trên cơ sở khung giá hợp lý.

 Từ 21/6, áp giá trần bán lẻ sữa cho trẻ dưới 6 tuổi

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tổ chức, cá nhân thực hiện bán lẻ đăng ký giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trước ngày 16/6/2014. Và từ ngày 21/6 tới, Bộ Tài chính chính thức áp giá trần bán lẻ sữa cho trẻ dưới 6 tuổi.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên tắc xác định giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng qui định tại công văn 6544 vừa được Bộ Tài chính ban hành, được xác định bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng (+) các chi phí hợp lý khác có liên quan nhưng tối đa không quá 15% của giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.

Trong đó, tỷ lệ 15% là tỷ lệ dành cho trường hợp lưu thông sản phẩm sữa tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất.

Trường hợp có nhiều khâu phân phối, giá bán lẻ tối đa cũng chỉ được xác định cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa của nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng không được cao hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường (giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá).

Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm sữa có tổ chức hệ thống phân phối riêng và có chính sách bán lẻ khi xác định giá bán buôn tối đa thì đồng thời xác định giá bán lẻ tối đa đảm bảo cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa; đồng thời xác định giá cho các khâu phân phối tiếp theo trong hệ thống phân phối theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm theo.

Đối với tổ chức, cá nhân là đại lý bao tiêu, đại lý độc quyền, tổ chức, cá nhân có quyền quyết định giá khác thực hiện xác định giá bán lẻ tối đa theo nguyên tắc trên; đảm bảo cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Giá bán lẻ tối đa của sản phẩm sữa đến người tiêu dùng phải đảm bảo thấp hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường của sản phẩm đó (giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá).

Sau khi xác định giá bán lẻ tối đa theo nguyên tắc trên, tổ chức, cá nhân gửi bảng giá bán lẻ tối đa đến cơ quan có thẩm quyền quản lý giá.

Trường hợp giá bán lẻ tối đa gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá cao hơn quy định (vượt quá 15% so với giá bán buôn của nhà sản xuất, nhập khẩu), cơ quan có thẩm quyền quản lý giá có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình và xác định lại giá bán lẻ tối đa.

Sau 03 (ba) lần giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu, hoặc không thực hiện giải trình trong vòng 05 ngày làm việc hoặc không thực hiện xác định giá bán buôn tối đa thì tổ chức, cá nhân phải thực hiện mức giá bán lẻ tối đa do cơ quan có thẩm quyền quản lý giá xác định.

Ngoài ra, công văn của Bộ Tài chính còn nhấn mạnh tới trường hợp có thay đổi về quy cách đóng gói, bao bì, mẫu mã và thông tin chất lượng được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì là sản phẩm mới. Vì vậy, tổ chức, cá nhân phải xác định giá bán buôn tối đa theo quy định trên.


Giá sữa bán buôn sẽ bị áp giá trần từ 1/6 tới. Giá bán lẻ bị áp muộn hơn 20 ngày nhằm tạo điều kiện để các cửa hàng bán hết số sữa mà họ đã nhập về trước đó.

Luật có “trấn áp” được các chiêu trò làm giá?



Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về khảo sát trên thị trường cho thấy một số loại sữa sau khi áp giá trần lại tăng giá so với hiện tại và doanh nghiệp dùng chiêu thay đổi bao bì, nhãn hiệu, trọng lượng … để lách giá trần, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết: Trong quá trình đưa ra quyết định áp giá trần đối với mặt hàng sữa, Bộ Tài chính đã làm việc với nhiều doanh nghiệp và hầu hết cam kết tuân thủ pháp luật.

Bộ Tài chính đã làm việc với Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương để đảm bảo quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông trên thị trường.

Để việc áp trần giá sữa được thực hiện triệt để, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương, bên khâu nhập khẩu, sản xuất, lưu thông trên thị trường chỉ đạo thực hiện. “Mặc dù doanh nghiệp cam kết thực hiện nhưng việc thực hiện áp giá trần với mặt hàng sữa phải kiên trì kiên trì, vừa truyền thông vừa đối thoại, vừa phân tích, phát hiện và xử lý”, ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết thêm, Bộ đã nhận được công văn phản hồi của 3 doanh nghiệp thuộc diện bình ổn giá sữa. “Đây là biện pháp áp dụng theo Luật và chỉ áp dụng có thời hạn. Trong quá trình thực hiện, cơ quan chức năng đã tham vấn với các doanh nghiệp. Kết quả thanh tra giá sữa là căn cứ chính để áp dụng chính sách bình ổn này”, ông Nghĩa nói.

An Hạ

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *