Nguyên Liệu 08/03/2014 07:27

Hệ lụy từ việc thương lái nước ngoài mua gom nông sản "dị thường": Ai chịu trách nhiệm?

Câu chuyện về thu mua móng trâu, bò, đỉa, ốc bươu vàng, vịt đẻ… vẫn chưa được cắt nghĩa, thì gần đây thương lái nước ngoài lại bày trò thu mua lá khoai lang, lá sắn non (khoai mì).

Việc thương lái nước ngoài thu mua các mặt hàng nông sản "dị biệt" đã diễn ra cả chục năm nay, gây không ít hệ lụy cho những người nông dân thuần phác. Thế nhưng, cho đến lúc này, các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn cũng như xử lý dứt điểm.

 
Nông dân chăm sóc vườn khoai lang chờ ngày thu hoạch. Ảnh: Phapluat TP HCM
Nông dân chăm sóc vườn khoai lang chờ ngày thu hoạch. Ảnh: Phapluat TP HCM


Gần tháng nay, các thương lái nước ngoài lại xuất hiện tại Vĩnh Long thu mua lá khoai lang. Kịch bản này xảy ra chẳng khác gì so với việc thu mua lá điều, đỉa hay các mặt hàng nông sản "dị thường" đã xảy ra trước đó. Vẫn sử dụng các "chiêu bài" cũ, thương lái nước ngoài thông qua phiên dịch người Việt Nam, vào tận vườn, hộ dân "đặt vấn đề" thu mua với khối lượng lớn, giá cao.
 
Thấy món lợi trước mắt, nông dân đổ xô đi gom hàng, người có tiền còn trở thành thương lái nhỏ đi gom hàng trong dân, rồi bán cho các thương lái lớn nước ngoài. Sau khi nông dân và thương lái đổ xô gom hàng với khối lượng lớn… thương lái nước ngoài bỗng dưng "biến mất". Hậu quả là người dân thiệt hại lớn. 

Điều dễ dàng nhận thấy là những mặt hàng được thương lái nước ngoài thu mua đều có những điểm bất thường. Vịt đẻ, lá khoai, rễ sim… còn có thể làm thực phẩm, làm thuốc, còn những mặt hàng như đỉa, ốc bươu vàng, lá điều khô…, họ thu mua để làm gì? 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc thu mua những mặt hàng nông sản có tính "dị thường" của một số thương lái nước ngoài nhằm mục đích là phá hoại nền sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, có sự logic trong vấn đề thu mua nông sản của thương lái nước ngoài tại Việt Nam.
 
Thứ nhất là âm mưu trục lợi về kinh tế. Bài học vừa qua tại các địa phương cho thấy, những "mặt hàng" thương lái nước ngoài đặt mua tăng giá theo từng giai đoạn. Ban đầu họ đưa giá trung bình song cao hơn thị trường rất nhiều để đánh vào tâm lý "hám lợi" của người dân. Sau đó lại tiếp tục tăng giá để kích cầu, đến khi hàng hóa thu gom được nhiều, họ lại tiếp tục tăng giá, rồi bán lại hàng cho chính thương lái Việt Nam, kiếm lợi rồi bỏ chạy. Cuối cùng nông dân và tiểu thương Việt Nam phải gánh chịu.
 
Thứ hai là, thu mua để hủy hoại nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Đỉa, ốc bươu vàng vốn là những vật gây hại cho môi trường, trong đó ốc bươu vàng hại lúa và vịt đẻ là loài diệt ốc bươu vàng, nhưng họ lại thu mua vịt đẻ. Đây là thủ đoạn không chỉ làm giảm khả năng tận diệt ốc bươu vàng từ loại thủy cầm có ích như vịt đẻ, mà còn làm mất cân đối về giống, ảnh hưởng tới sự phát triển của đàn vịt, giảm hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi. Còn "kịch bản" đỉa tràn ra môi trường có thể xảy ra, trở thành tai họa như hiện tượng nuôi ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, chuột hải ly... trước đây.
 
Theo ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), thống kê tại các cơ quan hải quan cửa khẩu cho thấy, thực tế các loại nông sản "dị biệt" mà thương lái nước ngoài thu mua không được xuất qua biên giới. Chỉ có một số ít mặt hàng như rễ sim, cây ngâu… được xuất sang biên giới nhưng với số lượng không bao nhiêu, họ cố tình tạo nguồn cung cầu ảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của người dân và nền nông nghiệp Việt Nam.

Điều đáng nói là chuyện thu mua các loại nông sản của thương lái nước ngoài đã xuất hiện gần chục năm nay. Các cơ quan, thông tấn, nhà chuyên môn đã phân tích, cảnh báo rất nhiều, song dường như chính quyền các cấp, cơ quan quản lý vẫn chưa tìm ra biện pháp xử lý. Thông tư 28/2012/TT-BCT của Bộ Công thương quy định chi tiết việc đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam quy định: Thương nhân nước ngoài khi thu mua nông sản tại Việt Nam đều phải do thương lái Việt Nam đảm nhận và chỉ được phép ký hợp đồng mua sản phẩm qua thương lái Việt Nam. Song, thương lái nước ngoài thu mua chủ yếu qua việc sang Việt Nam du lịch rồi thu mua tận gốc, chuyển qua đường tiểu ngạch, nên gây nhiều khó khăn cho việc kiểm soát.
 
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, những người nước ngoài có mặt ở Việt Nam thu gom nông sản là hoạt động mua bán trái phép. Biết là trái phép mà các cơ quan quản lý vẫn làm ngơ để tình trạng này tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và sản xuất trong nước. Theo ông Trần Ngọc Vinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, khó có thể nói rằng chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý không biết đến thực trạng này. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Bộ đã có chương trình rà soát, tuyên truyền, phổ biến và kiểm soát thương lái nước ngoài thu mua các sản phẩm nông sản ở Việt Nam. Theo đó, nếu việc thu mua là bất hợp pháp, thì các cơ quan chức năng ở địa phương và các bộ, ngành sẽ có sự phối hợp để chấm dứt ngay tình trạng đó. Lạ thay, sự việc xảy ra đã gần 10 năm, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chỉ dừng lại ở mức rà soát, tuyên truyền. Để chấm dứt tình trạng nêu trên, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần khẩn cấp vào cuộc, nếu không hậu quả sẽ khôn lường…
Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *