Doanh nghiệp 18/05/2015 09:35

Người tiêu dùng bị lạc vào ma trận “cuộc chiến mì tôm”

Chuyện xâm phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam thực tế đã và đang diễn ra như “cơm bữa”. Vụ hai doanh nghiệp sản xuất mì tôm Hảo Hảo và Hảo Hạng “đấu” nhau vì vi phạm các hình ảnh, mẫu mã bao bì sản phẩm khiến người tiêu dùng đang bị lạc vào “ma trận” trong “cuộc chiến” về thực phẩm.

Hảo Hảo kiện Hảo Hạng

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhãn hiệu mì Hảo Hạng của Công ty Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) đang bị nhiều siêu thị từ chối, vì nghi có dấu hiệu vi phạm bản quyền thương hiệu. Thậm chí, ở một số hệ thống siêu thị lớn như BigC, Fivimart, Vinmart... không chỉ nhãn mì trên, nhiều sản phẩm khác của Asia Foods như mì Gấu Đỏ, mì Trứng Vàng cũng không có mặt trên kệ hàng.

Người tiêu dùng bị lạc vào ma trận “cuộc chiến mì tôm”

Mì Hảo Hảo “tố” mì Hảo Hạng “nhái” thương hiệu gây nhầm lẫn đến người tiêu dùng

Đại diện truyền thông của siêu thị Lotte cho hay, từ trước đến nay Lotte Mart vẫn bán các sản phẩm của Asia Foods. Tuy nhiên, đầu năm 2015, khi nhận được lời chào hàng của nhà cung cấp với sản phẩm mì Hảo Hạng, bộ phận kinh doanh của siêu thị này nhận thấy dấu hiệu không ổn từ sản phẩm, nên tạm thời từ chối.

“Chuyên viên kinh doanh của chúng tôi thấy bao bì bên ngoài sản phẩm Hảo Hạng khá giống bao bì và tên gọi Hảo Hảo, nên quyết định không nhập và tiếp tục thăm dò thị trường”, vị này chia sẻ thêm.

Tuy không chinh phục được kênh siêu thị, song thực tế mì Hảo Hạng vẫn được bày bán khá phổ biến tại các chợ và đại lý. Những người tiêu dùng cho biết, hiện sản phẩm vẫn có mặt tại một số chợ, đại lý ở Hà Nội, TP HCM và các tỉnh.

Tại chợ Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) và một số đại lý xung quanh khu vực này, mì Hảo Hạng vẫn được tiêu thụ bình thường. Chị Lê Thị Lan, chủ hàng tạp hóa ở đây cho biết, chị nhập hàng từ trước tết, do tiêu thụ chậm nên không muốn nhập thêm. Lượng hàng còn lại chị bán dần đến hết.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc nhãn hàng của Asia Foods (sản xuất mì Hảo Hạng) cho biết, sau khi nhận được công văn từ Vina Acecook, đơn vị này đã lập tức trả lời và thể hiện thiện chí. Cụ thể, hãng ngưng sản xuất mẫu bao bì mì gói Hảo Hạng màu đỏ hồng như Hảo Hảo và quay lại sản xuất đúng mẫu bao bì đỏ, vàng cam như đăng ký từ năm 2006.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Hùng, đại diện truyền thông Vina Acecook (sản xuất mì Hảo Hảo) nhấn mạnh, đơn vị sẽ đấu tranh quyết liệt cho tới khi Asia Foods công khai thừa nhận sai phạm bản quyền, hành vi gây nhầm lẫn cho khách hàng và phải thu hồi sản phẩm tiêu hủy đúng như yêu cầu Vina Acecook đưa ra.

Để có thông tin khách quan, PV đã liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ và được lãnh đạo cục này cho hay, đơn vị có nhận được công văn về yêu cầu xử lý của Công ty Acecook Việt Nam. Trước đó, Cục đã đưa ra ý kiến chuyên môn trả lời, trong đó nêu rõ cả 2 nhãn hiệu trên đều được đăng ký tại Cục thuộc nhóm 30.

“Tuy nhiên, mẫu sản phẩm của Asia Foods trên thực tế khác với mẫu bảo hộ, từ cách trình bày kiểu chữ với hình ảnh tô mì, sợi mì và màu sắc tạo thành tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Hảo Hảo. Hành vi sản xuất buôn bán các sản phẩm mì như trên sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại Điều 129.1 Luật Sở hữu trí tuệ. Cục chỉ có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ, còn việc tranh chấp kiện tụng thế nào thì do 2 bên và các nhà chức trách phán xét”, lãnh đạo Cục nói.

Người tiêu dùng phải “vừa ăn mì, vừa tỉnh táo”

Theo các chuyên gia thương hiệu, khả năng gây nhầm lẫn của nhãn hiệu khá phổ biến trên thị trường, các vi phạm về sở hữu trí tuệ bao gồm vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp… Không chỉ giống nhau về kiểu dáng, mẫu mã, nhiều nhãn hiệu còn bị copy cả về logo thương hiệu, giống đến khó tin.

Chưa đánh giá ngay chất lượng sản phẩm bắt chước kiểu dáng, nhãn hiệu ra sao nhưng dễ thấy nó gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng danh tiếng của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Luật sư Châu Huy Quang cho rằng: “Có khá nhiều điều đáng quan tâm được đặt ra thông qua vụ việc tranh chấp nhãn hiệu mì. Không loại trừ khả năng sẽ còn nhiều “cuộc chiến” xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà không phải đấu thủ nào cũng đủ bản lĩnh “đua” lành mạnh. Vì vậy, bên cạnh sự chủ động của chính doanh nghiệp, càng cần có sự tỉnh táo của người tiêu dùng và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng”.

Chuyên gia Kinh tế - Đầu tư Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cũng chia sẻ: “Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã được ban hành từ năm 2005, song nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường vẫn chưa có ý thức tuân thủ luật. Bản thân người dân cũng chưa có phản ứng “tẩy chay” để thể hiện quyền của thượng đế tiêu dùng.

NSƯT Công Lý - Người đóng clip quảng cáo mì Hảo Hạng có liên quan?

Liên quan đến sự việc doanh nghiệp mì Hảo Hảo kiện mì Hảo Hạng về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, NSƯT Công Lý - nhân vật đóng trong clip quảng cáo về mì Hảo Hạng được phát sóng hàng loạt trên các kênh truyền hình chia sẻ: “Trách nhiệm của một công dân, một nghệ sĩ, lương tâm của một nghệ sĩ, không ai đi làm việc đó cả. Nếu không có sự việc kiện tụng như vậy thì việc làm clip quảng cáo là hoàn toàn bình thường”.

Theo Thảo Phượng

Petrotimes

 
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *