Doanh nghiệp 31/01/2014 07:56

Ngày Tết và nỗi niềm doanh nghiệp

Trời đất thì năm nào cũng vậy, Tết đến xuân về. Đất nước và con người thì không ngừng đổi thay.

Xưa, nhịp sống cứ chậm trôi theo chu kì của những giống ngũ cốc nuôi sống con người. Nay, con người hối hả, chóng mặt theo nhịp tính bằng giây như những quảng cáo sản phẩm trên truyền hình. Chậm không đơn giản chỉ là đi sau nữa. Chậm là không còn cơ hội và đầy chông gai (khi người đi trước bỏ lại).



Tết là dịp vui xuân đoàn tụ. Tết là nỗi lo đi lại, tính toán chi tiêu. Tết là dịp kích cầu, hy vọng mùa gặt hái. Tết thúc đẩy các nghĩa vụ vay nợ, thanh toán,... Dù mức độ ở mỗi cá thể là khác nhau, nhưng trách nhiệm và cơ hội, hy vọng và lo lắng, may mắn và rủi ro,... cứ giằng giật tâm trạng mỗi dịp xuân về. Mọi thứ rồi cũng đổi thay, như từ điểm cân bằng này sang điểm cân bằng khác, nhưng có lẽ sẽ giống như những xoáy nước vặn xoắn tất cả những thứ trong vòng xoáy, trước khi đẩy chúng trôi theo dòng.



Chắc nước nào cũng vậy, vừa muốn hội nhập, vừa muốn có cái bản sắc riêng của mình. Đất nước đã vào dòng chảy công nghiệp hoá, giống như đoàn tàu liên vận. Hành trình 12 tháng như những cung đường phải đi, không thể tuỳ tiện dừng đỗ thật lâu. Tháng 1 hàng năm như vừa mới bắt đầu một hành trình mới, tháng 2 lại như một chân phanh hãm lại tốc độ vừa mới có đà. Mấy năm nay, xu hướng nghỉ Tết càng như dài ra. Chuẩn bị cho Tết và xả hơi sau Tết, khiến cho đoàn tàu sẽ ì ạch trong cả tháng 2 (dương lịch).



Còn nhớ mấy năm trước, nhiều doanh nghiệp khóc dở, mếu dở, khi công nhân bỏ việc sau Tết. Rồi tình trạng tăng ca, tăng kíp trước và sau Tết, để sản xuất dự trữ và bù đắp cho thời gian nghỉ Tết đối với nhiều sản phẩm. Khách hàng quốc tế không dễ gì cảm thông hoặc thu xếp được cho phù hợp với điều kiện cung cấp gián đoạn của Việt Nam. Đối với sản xuất hiện đại với càng nhiều tiêu chí chặt chẽ và khắt khe, Tết dường như là điểm rơi thấp nhất của mọi kỉ luật về quản lý.



Nhìn lại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, họ chú trọng và ý thức bảo tồn truyền thống chắc không kém Việt Nam. Thế mà khi bước vào công nghiệp hoá, họ đã biết thu xếp đồng hành với lịch trình của con tàu kinh tế chung thế giới. Nghỉ Tết dương lịch nhiều hơn, thay đổi quan niệm và nghỉ Tết âm lịch thật ngắn, như một kỉ niệm lịch sử. Xét cho cùng mọi tập tục cũng đều hình thành do con người và thay đổi bởi con người. Chẳng nên cứ cấn cá mãi trong cái vòng xoáy của mình, trước khi trôi được theo dòng chảy mênh mang.

Theo Ngô Văn Tuyển

VnEconomy

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *