Tiền và Hàng 22/01/2014 20:30

Siêu thị điện máy: Khuyến mại cũng như không

FICA - Nhiều khách hàng cho rằng, mua hàng khuyến mại nhưng giá vẫn đắt hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường, nên khuyến mại cũng như không.

Kể từ năm 2010 trở lại đây, sau thời gian phát triển nóng với sự bùng bổ của một loạt thương hiệu nội địa cùng sự đổ bộ ồ ạt của các thương hiệu nước ngoài, thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và thị trường bán lẻ điện máy nói riêng bắt đầu bước vào quá trình sàng lọc khốc liệt. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, phải tính đến phương án sáp nhập, thậm chí là phá sản do thua lỗ nặng nề.

Tuy nhiên, một loạt tổ chức quốc tế đều có chung nhận định, Việt Nam là thị trường hàng đầu về tiêu dùng hàng hi-tech trong tương lai. Trong khi đó, phần lớn người dân có thu nhập ngày càng tăng, lại có nhu cầu liên tục thay mới sản phẩm công nghệ và thói quen tiêu dùng cngx đang dần chuyển hướng sang mô hình phân phối hiện đại.

Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư mở rộng hệ thống bán lẻ hiện đại và chiếm lĩnh thị trường. Chỉ riêng trong năm 2013 đã có 15 siêu thị điện máy được khai trương. Các thương hiệu lớn đồng loạt thâm nhập thị trường, đáng kể đến như điện máy Trần Anh với 10 trung tâm điện máy tại Hà Nội (7 trung tâm trong năm 2013).

Phát biểu tại hội thảo về cạnh tranh trong thị trường điện máy diễn ra mới đây, bà Trần Phương Lan - Trưởng phòng Giám sát và Quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) cho biết, thị trường điện máy hiện có 35 doanh nghiệp tham gia và đều có hoạt động cạnh tranh quyết liệt, trực tiếp tại nhiều tỉnh, thành.

Trong đó, 5 doanh nghiệp tốp đầu chiếm lĩnh 35,82% thị trường bán lẻ là: Nguyễn Kim, Thế giới di động, Điện máy Chợ Lớn, Phan Khang và Trần Anh.

Theo bà Lan, do đều là nhà phân phối nên các doanh nghiệp chủ yếu cạnh tranh về giá, chương trình hậu bán hàng, khuyến mã …  Bên cạnh đó, do đặc điểm của hàng hóa là sau khi nhà sản xuất chuyển giao cho nhà phân phối là thuộc quyền nhà bán lẻ, nên quyền lợi của người tiêu dùng có được đảm bảo hay không đều phụ thuộc vào nhà bán lẻ.

Bà Lan cho biết, đối với doanh nghiệp bán lẻ lớn, nếu doanh thu chỉ đạt 100 - 200 triệu đồng/ngày thì chỉ trong vòng 6 tháng đến một năm có nguy cơ rút khỏi thị trường, chỉ những doanh nghiệp đạt doanh thu 700 triệu - 1 tỷ đồng/ngày mới có lãi.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết mặc dù hầu hết các siêu thị điện máy liên tục đưa ra những chương trình khuyến mại, nhưng người tiêu dùng lại tỏ ra khá thờ ơ. Nhiều khách hàng cho rằng, mua hàng khuyến mại nhưng giá vẫn đắt hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường, nên khuyến mại cũng như không.

“Ngoài việc lừa dối khách hàng bằng khuyến mại, giảm giá (nhưng thực chất là không giảm), các dịch vụ hậu mãi cũng không được các nhà bán hàng thực hiện đúng cam kết. Phần lớn hàng điện tử, điện máy là có bảo hành và dịch vụ hậu mãi, nhưng những tranh chấp thường xảy ra trong khâu này. Trong nhiều trường hợp, việc thực hiện chưa tốt, nhà bán hàng thường đổ lỗi cho người tiêu dùng để thoái thác việc sửa chữa, thay thế”, ông Hùng nói.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *