Doanh nghiệp 27/12/2013 15:23

Masan thành lập ban đồ uống Masan Beverage

FICA - Ông Lê Trung Thành, nguyên Phó Tổng Giám đốc PepsiCo Việt Nam, là người đứng đầu bộ phận mới được thành lập để tập trung cho ngành hàng đồ uống của Masan.

 

Để tập trung mạnh vào ngành đồ uống trong thời gian tới, Tập đoàn Ma San (Mã chứng khoán MSN) cho biết đã thành lập phòng ban tập trung cho ngành hàng đồ uống là Masan Beverage và mời ông Lê Trung Thành, người từng là Phó Tổng Giám đốc PepsiCo Việt Nam, về dẫn dắt nhóm này. Ngoài PepsiCo Vietnam, ông Thành còn từng làm việc tại NutiFood và FPT Retail, đơn vị bán lẻ của FPT.

Ông Thành đã từng tạo nên không ít dấu ấn với tại Pepsico với các sản phẩm nước uống tăng lực Sting, nước tinh khiết Aquafina hay chuỗi sản phẩm snack Poca.


Theo nghiên cứu của Euromonitor, quy mô thị trường đồ uống Việt Nam có giá trị khoảng 54.000 tỉ đồng. Tỉ lệ tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm của ngành hàng trà đóng chai trong giai đoạn 2007 – 2012 đạt trên 48%.

Chính vì thị trường tiềm năng này, các ông lớn trong ngành liên tục mở rộng đầu tư. Tân Hiệp Phát, đơn vị dẫn đầu thị phần trà đóng chai đã triển khai xây hai nhà máy mới ở Chu Lai (Quảng Nam) và Hà Nam trong năm 2013. Cuối năm 2012, Nestlé cũng đã rót thêm 12 triệu USD để xây dựng dây chuyền mới tại Long An cho sản phẩm nước khoáng Lavie, nâng tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này lên gấp đôi.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp ngoài ngành cũng muốn nhảy vào. Chẳng hạn như Ngô Han, doanh nghiệp sản xuất dây đồng ở Đồng Nai bất ngờ mua Nước khoáng Cúc Phương ở Ninh Bình. Công ty Bất động sản Năm Bảy Bảy cũng thông qua một công ty con tham gia khai thác nước khoáng ở Quảng Ngãi với công suất hơn 32 triệu lít/năm.

Masan Consumer cũng đã thâu tóm 2 doanh nghiệp trong ngành là Vinacafé Biên Hòa và Vĩnh Hảo. Cụ thể, đầu tháng 9/2011, Masan Consumer công bố việc chào mua công khai hơn 50% cổ phần của Vinacafé Biên Hòa - đơn vị chiếm thị phần số 1 trong mảng cà phê hòa tan năm 2011 theo báo cáo của Euromonitor. Trong thương vụ này, Masan Consumer đã chi ra khoảng hơn 1.100 tỷ đồng để sở hữu hơn 53,2% tại Vinacafé Biên Hòa.

Sau khi "thâu tóm" xong VCF, Masan Consumer tiếp tục thâu tóm Vĩnh Hảo. Masan Consumer đã chi ra khoảng hơn 430 tỷ đồng để mua nắm giữ 63,5% cổ phần tại Vĩnh Hảo. So Vinacafé Biên Hòa, Vĩnh Hỏa có quy mô nhỏ hơn với vốn điều liệu vỏn vẹn 81 tỷ đồng. Tuy nhiên, kì vọng của Masan Consumer tại Vĩnh Hảo không hề nhỏ khi đặt mục tiêu doanh số ở mức 3.000 – 5.000 tỉ đồng trong vài năm tới, trong khi doanh số năm 2012 chưa tới 500 tỉ đồng.

Mới đây nhất, Masan đã chi ra 12 triệu USD (khoảng 252 tỷ đồng) vào cuối năm 2012 để mua lại bia Phú Yên.

 
Về chiến lược cho ngành hàng đồ uống, ông Venkatesh - Giám đốc Chiến lược và Nguồn vốn tổ chức của Masan Group cho biết, Masan quan tâm hơn đến giải pháp thu hút người tiêu dùng sử dụng sản phẩm để mở rộng qui mô thị trường (converting) hơn là đối đầu cạnh tranh (competing).

Theo thông tin chúng tôi được biết, Masan Consumer đang thử nghiệm sản phẩm đồ uống có cồn mới và có thể sẽ giới thiệu ra thị trường thời gian tới.

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *