Doanh nghiệp 07/03/2019 18:08

“Lợi nhuận, doanh thu là mục tiêu chính yếu của doanh nghiệp”

Sự thịnh vượng của một doanh nghiệp có thể được thể hiện qua các nhóm chỉ số tài chính, chỉ số nhân lực, ý thức về trách nhiệm xã hội và cộng đồng. Thực tế, theo nhận định của 71,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát, tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận tiếp tục là mục tiêu chính yếu của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Giữ chân nhân sự là một thách thức lớn với doanh nghiệp

Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa chính thức công bố Bảng xếp hạng BP500 – Top 500 Doanh nghiệp Việt Nam Thịnh vượng năm 2019. Bảng xếp hạng BP500 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tích cực và có tiềm năng, triển vọng gia nhập đội ngũ các doanh nghiệp lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Theo Vietnam Report, sự thịnh vượng của một doanh nghiệp có thể được thể hiện qua các nhóm chỉ số tài chính (tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận, tỉ suất sinh lời...), chỉ số nhân lực (số lượng lao động, thu nhập bình quân lao động...), ý thức về trách nhiệm xã hội và cộng đồng (CSR).

Thực tế, theo nhận định của 71,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát, tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận tiếp tục là mục tiêu chính yếu của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, những vấn đề về nguồn nhân lực cũng đang dần nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây.

Cụ thể, có hơn 57% doanh nghiệp BP500 đánh giá tuyển dụng và giữ chân nhân sự là một trong những thách thức bên trong lớn nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2018. Những thách thức về quản lý dòng tiền, quản trị doanh nghiệp... cũng gây ra khó khăn nhất định cho doanh nghiệp; bên cạnh các rào cản đến từ bên ngoài như chi phí đầu vào tăng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh, các thủ tục hành chính...

Top 5 thách thức bên trong đối với tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2018

C:\Users\Administrator\Downloads\tcbc bp 2019_new-01.png

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp BP500 tháng 02/2019

Với những nhận định về các thách thức trên, top 3 chiến lược tăng trưởng chủ đạo của các doanh nghiệp trong 5 năm qua là: Cải thiện chất lượng đội ngũ quản lí (60,7%), tăng năng suất (57,1%), và phát triển các dòng sản phẩm/dịch vụ mới (50%).

Ngoài ra, trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và mở rộng hội nhập với thị trường quốc tế, thúc đẩy hiện đại hóa công nghệ, gia nhập thị trường mới, hợp tác với nhà đầu tư chiến lược hay thực hiện hoạt động M&A... cũng là những quyết sách mà doanh nghiệp lựa chọn thực thi để tăng trưởng và phát triển.

Top 4 chiến lược tăng trưởng chủ đạo của doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2018

C:\Users\Administrator\Downloads\tcbc bp 2019_new-02.png

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp BP500 tháng 02/2019

Phần lớn các doanh nghiệp thịnh vượng đều nhận thức và đánh giá rất cao vai trò của tăng trưởng và tính cấp thiết của vấn đề nhân sự. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển, bởi sự giàu có về vật chất và sự ổn định về đội ngũ nhân lực là nền tảng cho mọi chiến lược, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường đang ngày càng gay gắt.

Ý thức về vấn đề trách nhiệm xã hội và cộng đồng của các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp BP cũng thể hiện mối quan tâm đến vấn đề trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Khi được hỏi về những vấn đề xã hội quan trọng nhất mà doanh nghiệp đã góp phần giải quyết trong năm qua, kết quả khảo sát cho thấy: Hỗ trợ cộng đồng địa phương, thúc đẩy tính minh bạch trong kinh doanh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động môi trường, giảm tỉ lệ thất nghiệp và chăm sóc sức khỏe là những vấn đề được DN góp phần giải quyết trong năm qua.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đồng thời nhận diện nhiều khó khăn, thách thức thường gặp phải khi thực hiện CSR ở nước ta, điển hình như nhận thức về CSR mới dừng lại ở hoạt động tài trợ (52%), thiếu ngân sách (36%), thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ (32%), không được lan truyền trên truyền thông (24%)...

Điều này cũng cho thấy một phần sự quan tâm và đầu tư cho các hoạt động CSR từ phía chính quyền trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn và chính các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa xứng tầm với vai trò quan trọng của CSR trong việc cải thiện đời sống xã hội và chưa khai thác được tối ưu tiềm năng đóng góp của khối doanh nghiệp.

Mai Chi

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *