Doanh nghiệp 13/10/2020 14:02

Lỗ triền miên suốt 9 tháng, “sức khỏe” của Vietnam Airlines hiện ra sao?

Vietnam Airlines dự kiến mức lỗ hợp nhất là 10.750 tỷ đồng, trong đó mức lỗ của Công ty mẹ là hơn 8.700 tỷ đồng. Hãng này đang phải giãn hoãn thành toán các khoản khoảng 4.268 tỷ đồng.

Sáng nay (13/10), Vietnam Airlines gặp mặt báo chí quý 3/2020 để thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng của năm 2020.

Covid-19 “thổi bay” 10.750 tỷ đồng lợi nhuận

Tính tới tháng 9/2020, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) và các hãng thành viên là Pacific Airlines và VASCO giữ 51,7% thị phần nội địa vận chuyển hành khách.

Hiện Vietnam Airlines đang khai thác hơn 60 đường bay nội địa với trung bình 300 chuyến bay mỗi ngày. Sản lượng vận chuyển hành khách nội địa có thời điểm vượt đến 12% so với cùng kỳ, đánh dấu sự phục hồi ấn tượng kể từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ hai tại Việt Nam.

Vietnam Airlines cho biết ngay từ đầu đợt dịch Covid-19 thứ nhất hãng đã áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ để duy trì sản xuất kinh doanh như: Tổ chức lại sản xuất phù hợp với quy mô thị trường bị thu hẹp; tiết kiệm, cắt giảm triệt để chi phí; tái cơ cấu và tổ chức lại lao động; giãn tiến độ thanh toán; dừng triển khai cácdanh mục đầu tư chưa cấp thiết; chủ động tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu như đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở khách hồi hương và khách chuyên gia; thanh lý đội tàu bay cũ...

Lỗ triền miên suốt 9 tháng, “sức khỏe” của Vietnam Airlines hiện ra sao? - 1

Vietnam Airlines dự kiến mức lỗ hợp nhất là 10.750 tỷ đồng, trong đó mức lỗ của Công ty mẹ là hơn 8.700 tỷ đồng

Ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Tài chính của Vietnam Airlines - cho biết: “Các giải pháp này đã góp phần giúp Vietnam Airlines có tổng doanh thu hợp nhất trong 9 tháng đầu năm ước đạt 23.948 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 10.750 tỷ đồng, trong đó mức lỗ của Công ty mẹ là hơn 8.700 tỷ đồng”.

Theo ông Hiền, trước tình hình tài chính khó khăn, thời gian tới các nỗ lực nhằm thắt chặt chi phí để duy trì hoạt động sẽ tiếp tục được Tổng công ty triển khai thông qua việc tái cơ cấu lao động; triệt để tiết kiệm, giảm chi phí; đàm phán giảm giá, giãn nợ; sử dụng hạn mức vay ngắn hạn và kiến nghị giải pháp hỗ trợ với cổ đông Nhà nước.

Vietnam Airline xin phá sản?

Mới đây, có thông tin về việc Vietnam Airlines đã lên phương án và đệ đơn xin phá sản.  Trả lời câu hỏi này của PV Dân trí, Trưởng ban Tài chính của Vietnam Airline khẳng định: “Đó không phải là thông tin sai, mà là thông tin rất sai. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc làm đơn xin phá sản”.

Theo ông Trần Thanh Hiền, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, nếu xảy ra biến cố thì chắc chắn cổ đông lớn nhất là Chính phủ sẽ có phương án “giải cứu”, bởi nếu Vietnam Airlines phá sản thì sẽ có hệ luỵ rất lớn đối với ngành hàng không Việt Nam.

“Các giải pháp tài chính, sản xuất kinh doanh được Vietnam Airlines tính toán rất kỹ và Chính phủ đang xem xét bơm vốn theo đề xuất của hãng với mức tối thiểu là 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 0%” - Trưởng ban Tài chính Vietnam Airlines thông tin.

Lỗ triền miên suốt 9 tháng, “sức khỏe” của Vietnam Airlines hiện ra sao? - 2

Ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Tài chính của Vietnam Airlines

Khó khăn, lỗ nặng suốt 9 tháng qua, câu hỏi đặt ra là: Đến khi nào sức chịu đựng Vietnam Airlines sẽ cạn?

Trưởng ban Tài chính của Vietnam Airlines cho hay: “Các hãng hàng không nếu đúng nghĩa lỗ thì hết tiền là đương nhiên, trong bối cảnh đó phải đi vay, nhưng vay không phải dễ; các khoản nợ phải xin giãn hoặc đơn phương chậm trả theo khả năng tài chính của mình. Khi nào ngành hàng không chưa có tín hiệu phục hồi, chưa có giải pháp căn cơ thì khi đó hãng sẽ không hoạt động liên tục được”. 

Ông Hiền dẫn chứng việc Hiệp hội Hàng không thế giới (IATA) dự tính năm 2020 lượng khách luân chuyển trên toàn thế giới giảm 54,7% so với năm 2019, doanh thu mất 419 tỷ USD và các hãng hàng không lỗ trên 84 tỷ USD. Trong khi đó, trong khu vực đã các hàng không của ba nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia phải xin cấu trúc lại để không rơi vào phá sản.

“Với 1 hãng hàng không nếu tiền trong tài khoản bằng 0 thì đồng nghĩa với việc tự tuyên bố phá sản. Vì vậy, bằng mọi giá Vietnam Airlines phải cầm cự, phải đi vay tiền, phải xin hỗ trợ các gói tín dụng để duy trì số tiền nhất định trong tài khoản của mình” - ông Hiền nói và cho biết dự báo sớm nhất tới năm 2023 ngành hàng không mới có thể phục hồi hoàn toàn.

 Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *