Doanh nghiệp 26/04/2015 08:00

Liên tục “hút máu” cổ đông

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang xem việc phát hành cổ phiếu “hút” tiền từ cổ đông là cái phao cứu sinh để đẩy mạnh phát triển, mở rộng sản xuất trong giai đoạn hiện nay

Vốn đối với doanh nghiệp (DN) bất động sản như là mạch máu nuôi sống DN. Chính vì vậy mà trong giai đoạn thị trường tương đối ổn định, khả quan thì các DN, đặc biệt DN đang niêm yết trên sàn chứng khoán, tranh thủ trình cổ đông thông qua các phương án tăng vốn điều lệ trong mùa đại hội năm nay.

Đua nhau tăng vốn

Có nhiều hình thức tăng vốn điều lệ nhưng phổ biến nhất hiện nay là các DN tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cho cổ đông riêng lẻ hay chia cổ tức cho nhà đầu tư đều là những biện pháp mà các DN bất động sản đang niêm yết trên sàn đang thực hiện ráo riết.

Cổ đông Công ty CP Đầu tư Nam Long bỏ phiếu thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015, trong đó có phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông
 
Cổ đông Công ty CP Đầu tư Nam Long bỏ phiếu thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015, trong đó có phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông
 

Ngày 25-4, đại hội đồng cổ đông Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) đã thông qua các phương án, kế hoạch kinh doanh năm 2015. Trong đó có kế hoạch chào bán 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông với giá bán 19.000-21.000 đồng/cổ phiếu để có thể thu hút về khoảng 300 tỉ đồng, nhằm bổ sung vốn vào hoạt động của công ty.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT của NLG, cho biết công ty này chỉ phát hành cho nhà đầu tư chiến lược, là những nhà đầu tư (kể cả nước ngoài) có tiềm lực tài chính và có khả năng hỗ trợ cho NLG trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính. Tuy vậy, ông Quang cũng cho biết hiện nay vẫn chưa “chốt” được nhà đầu tư nào mà chỉ là đang tìm hiểu và đàm phán các phương án với đối tác. Nếu đợt phát hành thành công, NLG có thể thu về khoảng 300 tỉ đồng để thực hiện đầu tư, mở rộng cho các dự án sẽ và đang triển khai.

Thực tế, không chỉ riêng NLG tăng vốn điều lệ mà hầu hết các DN bất động sản đang niêm yết đều có kế hoạch tăng vốn trong mùa đại hội cổ đông năm nay. Cụ thể như tuần trước, đại hội cổ đông của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) cũng đưa ra mức tăng vốn điều lệ tương ứng trên 262 tỉ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỉ lệ 2:1.

Số vốn này được dùng để đầu tư dự án bất động sản tiềm năng và bổ sung vốn lưu động. Các dự án sử dụng vốn đầu tư là Bình Chiểu (giai đoạn 2) 50 tỉ đồng; Phước Long Spring Town 50 tỉ đồng; Long Hội - City 50 tỉ đồng; TDH Tocontap 50 tỉ đồng; chung cư TDH Phước Long 50 tỉ đồng và bổ sung vốn lưu động 12,2 tỉ đồng.

Cũng thuộc nhóm ngành bất động sản, tại đại hội cổ đông vừa qua, Công ty CP Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) đã quyết định tăng vốn điều lệ thuộc hàng “khủng” (lên gấp đôi là 4.000 tỉ đồng) thông qua việc phát hành 63 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện có và 137 triệu cổ phiếu hoán đổi của 4 công ty con để tăng tỉ lệ sở hữu của HQC tại 4 công ty này lên 100%. Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (ASM) cũng tăng vốn điều lệ lên 3.299 tỉ đồng khi phát hành tăng thêm 222,6 triệu cổ phiếu (tỉ̉ lệ tăng vốn điều lệ đến 208%).

Đáng chú ý nhất trong việc mạnh tay tăng vốn trong giai đoạn này phải kể đến Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC). Theo đó, với kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.749 tỉ đồng lên 8.397,6 tỉ đồng, công ty này sẽ rót vốn vào các sự án trải dài khắp cả nước.

An toàn, nhưng...

Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán tại TP HCM cho rằng hầu hết các DN hiện nay đều cần vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, đối với ngành bất động sản thì vốn như là nguồn “máu” nuôi DN, đẩy mạnh phát triển dự án. Năm qua, ngành bất động sản phát triển khá mạnh. Nhiều DN đã mở rộng mua bán, sáp nhập để khẳng định sự tồn tại và phát triển của chính mình. Vì vậy, với những DN đang niêm yết thì vốn từ cổ đông là “phao” cứu sinh được xem là an toàn nhất để giúp DN huy động vốn.

Tuy vậy, vị này cũng cho rằng nếu thị trường chứng khoán tốt, khả năng thu hút vốn sẽ thành công, ngược lại thì tỉ lệ thu hút vốn đạt bao nhiêu là chưa nói được. Kinh nghiệm cho thấy ở những năm trước khi thị trường trầm lắng, nhiều DN vẫn không phát hành tăng vốn được như kỳ vọng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank KimEng, cho rằng việc tăng vốn ồ ạt từ cổ đông có thể nói là một phong trào, vì việc hút tiền từ cổ đông quá dễ dàng hay giới đầu tư vẫn hay đùa là “in giấy đổi lấy tiền”. Các DN tranh thủ lúc thị trường thuận lợi, kinh tế ổn định để tăng vốn để dành. Có những DN sử dụng vốn liền nhưng có DN chưa cần mà vẫn huy động. Vì vậy, cổ đông cũng cần chất vấn và đánh giá hiệu quả sử dụng đồng vốn của DN như thế nào.

Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán trụ sở tại phía Bắc nhận định: “Có nhiều ý kiến cho rằng tiền của nhà đầu tư đổ vào chứng khoán qua các công ty bất động sản là gián tiếp đổ tiền vào bất động sản. Nhiều người lo lắng thị trường sẽ lại “bong bóng”. Tôi cho rằng kết luận này hơi vội vì thực tế nhà đầu tư luôn cân nhắc, khi thấy bỏ tiền vào đâu có lợi thì họ sẽ đầu tư. Hơn nữa, thị trường bất động sản thực tế chỉ mới gượng dậy sau một thời gian dài trầm lắng. Còn việc DN bất động sản niêm yết “hút” vốn từ cổ đông thông qua phát hành tăng vốn điều lệ thì không có gì là xấu. Chủ yếu là nguồn vốn ấy được DN sử dụng như thế nào cho hiệu quả, có thể sinh lợi tốt để nhà đầu tư không thất vọng mà thôi.

Như canh bạc

Chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân cho rằng hút vốn từ cổ đông luôn có lợi hơn việc phải đi vay ngân hàng. Vấn đề là cách tăng vốn và cách sử dụng vốn của DN. Nhưng nếu cổ đông dễ dãi quá, không hề chất vấn và trao quá nhiều quyền cho HĐQT thì cũng không nên. Cổ đông cũng phải lưu ý một số DN dùng vốn cổ đông để đảo nợ, cấn nợ.

Ngoài ra, phải loại trừ một vài DN xem việc huy động vốn như là làm một canh bạc lớn, vì nguồn lực cổ đông thì rất lớn trong khi chính bản thân lãnh đạo DN đóng góp chỉ một phần. Nếu thắng, chưa hẳn tất cả cùng thắng, mà thua thì họ cũng chỉ thua một phần, vì tổng lợi nhuận tăng lên nhưng EPS (lợi nhuận cơ bản trên một cổ phiếu) và cổ tức không tăng do bị pha loãng.

Theo Sơn Nhung
NLĐ
 
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *