“Lạ” và quen tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014

Phần thảo luận dừng lại vào lúc 11h15 ngày 29/4, khi vẫn còn tới 15 vị đại biểu đã đăng ký, nhưng không còn thời gian để đăng đàn.

“Lạ” và quen tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014

Chuyên gia Phạm Chi Lan phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 - Ảnh: CK

Đó có thể là điều lạ với nhiều cuộc hội họp khác, song lại rất quen với các diễn đàn kinh tế do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, và Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 không phải là ngoại lệ.

Nhưng, điều làm nên “thương hiệu” của các diễn đàn được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu của Ủy ban Kinh tế lại chính là sự quen và sự lạ ngay trong chính diễn biến của nó.

Rất quen, đó là nơi tổ chức diễn đàn luôn xa Hà Nội. 

Năm nay, Hạ Long có lẽ là địa danh gần nhất được chọn. Và đây có thể là lý do ít thấy ghế trống, cho dù đến tận phiên cuối.

Mỗi lần đều có thay đổi nhỏ về danh sách khách mời, song Trương Đình Tuyển, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Võ Đại Lược, Trần Đình Thiên, Nguyễn Đình Cung, Trần Du Lịch… luôn là những tên tuổi được chờ đợi với chính người tham dự.

Và, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên luôn là người đăng đàn đầu tiên với bài tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội.

“Anh Thiên vốn là người quyết liệt, nhưng lần này quá dịu dàng, nên làm cho không khí cả ngày đầu tiên cũng dịu dàng quá”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói vui lúc được mời đăng đàn khi diễn đàn đã bước sang ngày thứ hai.

Lời nhận xét này cũng đã khái quát khá đầy đủ cả sự lạ và quen ở ngày đầu tiên.

Thường ở các diễn đàn trước, bài tổng quan của TS. Trần Đình Thiên khá gai góc và luôn khởi đầu cho những tranh luận trái chiều ngay sau đó. Và không khí diễn đàn sôi nổi từ phiên đầu tiên. Đó là điều đã quen thuộc với cả chủ tọa và khách mời của Diễn đàn.

Lần này, phiên thứ nhất đã “dịu dàng” như thế. Đến phiên thứ hai - bàn sâu về cải cách thể chế - đề dẫn của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đã chạm đến tinh thần phản biện của một số diễn giả khác.

Tuy nhiên, sự sắp xếp chưa thật hợp lý cho một tham luận khá mênh mang ngay sau đó đã lại làm chùng không khí tranh luận.

Nhưng, chút bất ngờ đã đến vào sáng hôm sau, khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu từ bàn chủ tọa giới thiệu sự có mặt của “ông WTO” Trương Đình Tuyển.

Ông Tuyển nói, dù là trong thành phần được mời dự cuộc họp Chính phủ đang diễn ra tại Hà Nội, song ông vẫn xuống với Diễn đàn, vì Diễn đàn rất thú vị, và còn vì nếu bỏ nhiều thì “rất sợ bị khai trừ ra khỏi nhóm cộng tác viên của Ủy ban Kinh tế”.

Rồi chính vị nguyên Bộ trưởng Thương mại đã là người đem đến sự thú vị cho Diễn đàn, khi rất bình thản nói về một điều “cấm kỵ”: thừa nhận xã hội dân sự, khi xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại.

Ông Tuyển kể, ông nghe nói một vị quan chức cao cấp của Quốc hội đã có sáng kiến đưa ra khái niệm xã hội công dân định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo ông, xã hội công dân thì người ta nói rất nhiều, không chỉ ở Việt Nam nhưng thêm định hướng xã hội chủ nghĩa có lẽ là sáng kiến của vị quan chức đó.

Các gương mặt trong hội trường biểu lộ cảm xúc khác nhau, nhiều tiếng xì xầm nổi lên. Bởi, đối với cải cách thể chế, hàng chục ý kiến trước ông Tuyển đã mổ xẻ và lật đi lật lại, cũng không ít đề xuất, kiến nghị được đưa ra. Nhưng chưa ai đề cập đến “trụ cột” xã hội dân sự. Bởi vậy, với nhiều người nghe thì đây là vấn đề vẫn còn xa lạ.

Giờ giải lao, quanh bàn trà các chuyên gia rôm rả bàn luận. Các ý kiến đồng tình với nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển không ít. Và chưa hoàn toàn tán đồng cũng có. 

Tuy nhiên, khi lắng nghe thêm, chia sẻ thêm, ông Tuyển nói, ông có niềm tin là vai trò của xã hội dân sự sẽ được chấp nhận.

“Xã hội dân sự ở Việt Nam dù chưa được thừa nhận nhưng đang ở giai đoạn phát triển”, TS. Lê Đăng Doanh bình luận. Ông Doanh cũng tỏ ý tiếc, khi Luật Về hội đã soạn thảo 12 lần vẫn chưa ra được Quốc hội. Bởi các tổ chức trong xã hội rất cần một khung khổ pháp lý để hoạt động nghiêm túc.

Câu chuyện bên ly cà phê trong giờ nghỉ còn rôm rả bởi sự khác nhau trong quan điểm về nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Trong phát biểu ngắn của mình, ông Tuyển nói có khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giống như có khái niệm nền kinh tế thị trường xã hội của Bắc Âu. Nhưng mà vấn đề thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì lại chưa rõ ràng.

“Không rõ là không rõ tất, chứ không có chuyện thằng rõ thằng không”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá không đồng tình với quan điểm của ông Tuyển.

Chính các ý kiến khác nhau này đã làm cho các chuyên gia dành nhiều tâm huyết với Diễn đàn thấy nhẹ nhõm hơn, vì không khí sôi động - vốn được xem là đặc sản của Diễn đàn - đã quay trở lại.

Nhìn tổng thể các phiên thảo luận, có thể từ ban tổ chức đến khách mời cũng sẽ hơi buồn một chút bởi tính hấp dẫn dường như đã giảm. Một số bản tham luận bớt “cá tính”, mức độ tập trung của các vấn đề được bàn thảo cũng chưa được như mong muốn. Sự thiếu vắng tiếng nói của các chuyên gia trẻ tuổi, chủ tọa điều hành đôi khi hơi “cứng” cũng nằm trong nhận xét của nhiều người trong cuộc.

Nhưng, một chủ đề rất khó - cải cách thể chế - cũng đã được mổ xẻ nhiều chiều. Một số vấn đề vốn dĩ vẫn được cho là “nhạy cảm” đã được nói thành lời. Và sự hưởng ứng được biểu lộ rất rõ ràng. Và dư âm của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 này, chắc chắn còn đọng lại rất, rất lâu.

Theo Nguyên Thảo

VnEcomy

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *