Doanh nghiệp 06/05/2018 16:41

Lại đề nghị hoãn thực thi Nghị định 116 về quản lý đối với ô tô

Kiến nghị này được EU đưa ra mới đây với lý do các điều khoản của Nghị định 116 có thể gây ra sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước ngoài.

Trong văn bản gửi tới Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mới đây, Liên minh châu Âu EU bày tỏ sự quan ngại đối với một số nội dung của Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp áp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Theo đó, EU đề nghị hoãn thời thời gian thực thi với lý do Nghị định 116 có thể gây ra sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đồng thời, EU tiếp tục đề nghị phía Việt Nam thừa nhận tương đương giấy chứng nhận kiểu loại ô tô…

EU cho rằng, Nghị định 116 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 nhưng đến tận ngày 7/3/2018 mới được công bố. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế nên EU muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét hoãn thời gian thực thi để thông báo theo đúng quy định và những cam kết của WTO.

Liên quan đến quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn kỹ thuật và môi trường đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu tại Điều 6, Nghị định 116, EU cũng cho rằng cần xem xét lại. Theo EU, điều khoản này đã đưa ra cho xe nhập khẩu một loạt các nghĩa vụ khắt khe hơn so với các dòng ô tô sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam. Do vậy, EU đề nghị phía Việt Nam cân nhắc bỏ sự đối xử khác biệt này bởi rất có thể sẽ chưa phù hợp với các quy tắc của WTO…

Ngoài ra, phía EU cũng đề xuất các cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét bổ sung các điều khoản liên quan đến việc tạm dừng hiệu lực và thu hồi giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô. Việc bổ sung này nhằm đảm bảo rằng chế tài xử lý phạt nặng như vậy chỉ áp dụng đối với các trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng nếu không sẽ có thể tác động gây cản trở cho việc nhập khẩu xe.

EU nhắc lại một số kiến nghị trước đó của mình và cho rằng phía Việt Nam cần xem xét sửa đổi tất cả các điều khoản trong Nghị định mà có thể dẫn đến hạn chế không cần thiết đối với hoạt động thương mại, ảnh hưởng đến xe ô tô hoặc linh kiện do các nhà sản xuất nước ngoài định tiêu thụ ở Việt Nam.

Kể từ khi Nghị định 116 ban hành và có hiệu lực, không ít tổ chức doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị và cho rằng rất nhiều điều khoản trong đó “có vấn đề”, khó thực thi và gây khó cho ô tô đến với người tiêu dùng. Thậm chí, trong vòng chưa đầy một tháng, Hiệp hội các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) có tới 5 “tâm thư” gửi tới Văn phòng Chính phủ cũng như các bộ ngành liên quan kêu khó về các điều khoản của Nghị định. 

Kêu than là vậy nhưng ghi nhận từ thực tế cho thấy, các nhà nhập khẩu vẫn xin cấp phép, vẫn cam kết đáp ứng đủ điều  kiện kinh doanh và ồ ạt nhập xe về thị trường. Thậm chí, chỉ vài ngay sau khi Chính phủ tổ chức phiên đối thoại giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, liên doanh và các nhà sản xuất xe trong nước cùng đại diện bộ, ngành chức năng thì Honda đã tuyên bố đưa thành công gần 2.000 chiếc xe CRV, Civic và Jazz về cảng TP.HCM, chuẩn bị ra mắt người tiêu dùng Việt Nam.

Tại thời điểm Nghị định 116 có hiệu lực, một số chuyên gia kinh tế còn nhận định rằng từ chỗ là cho mình là bị thiệt, ảnh hưởng đến lúc nhập thành công xe hơi về Việt Nam chỉ vài ngày, cho thấy sự bất nhất của các hãng xe. Trong khi vừa than phiền chính sách, các liên doanh rất nhanh chân để hợp thức hóa các giấy tờ, quy định.

Còn đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định 4 tháng kể từ khi Nghị định 116 có hiệu lực thi hành đã có cả chục đơn vị được cấp giấy phép nhập khẩu xe hơi vào Việt Nam, điều đó chứng tỏ không có nhiều khó khăn.

Trên thực tế, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hết tháng 3/2018, giá trị nhập khẩu linh phụ kiện xe hơi phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất đã tăng hơn 40 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017 đạt 870 triệu USD, điều này cho thấy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì tốt.

Đặc biệt, thời gian gần đây nhóm doanh nghiệp tư nhân lắp ráp và nội địa hóa xe hơi không ngừng mở rộng hoạt động. Trường Hải - Thaco vừa khánh thành tổ hợp sản xuất, lắp ráp xe Mazda hiện đại nhất Đông Nam Á với công suất 50.000 xe/năm; tiếp đến là việc tập đoàn Thành Công và Hyundai (Hàn Quốc) tuyên bố mở rộng nhà máy thứ hai tại Ninh Bình có công suất 60.000 xe/năm; Một thương hiệu xe hơi Nhật là Mitsubishi cũng tuyên bố Việt hóa dòng xe Outlander tại Việt Nam thay vì nhập nguyên chiếc từ Nhật Bản do lợi thế cạnh tranh về nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nhân công giá rẻ.

Chỉ với chừng ấy bằng chứng đã đủ minh chứng cho Việt Nam đang là cơ sở và có nhiều cơ hội để các hãng thực tâm muốn phát triển lâu dài, nội địa hóa thay vì chỉ lợi dụng Việt Nam để làm chỗ đứng chân vừa sản xuất, lắp ráp nhưng lại tăng cường nhập khẩu hưởng lợi cho doanh nghiệp nhưng làm méo mó quy hoạch ngành của Việt Nam.

H.Anh 

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *