Doanh nghiệp 16/12/2013 07:41

Khu công nghiệp lập tường lửa chặn DN vô ý thức

Các khu công nghiệp (KCN) đang đau đầu với tình trạng lén lút xả thải của các doanh nghiệp trong chính “lãnh địa” của họ.

Hào Dương: “con sâu, làm rầu các KCN”

Tháng 11/2013, Công ty cổ phần Thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) lại bị phát hiện lén lút xả thải ra sông Đồng Điền. Đây là lần thứ 10, Công ty Hào Dương liên tiếp xả thải trái phép ra môi trường và bị xử phạt tới hàng trăm triệu đồng.
   
Bất chấp những cảnh cáo từ phía chính quyền, sự cố tình vi phạm của Công ty Hào Dương chỉ được chặn đứng khi UBND TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của công ty này.

Điều đáng nói là, những “con sâu làm rầu nồi canh” như Hào Dương không hiếm.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số 179 KCN đang hoạt động có tới gần 150 KCN đang vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Tại một số khu vực, tỷ lệ các KCN có công trình nhà máy xử lý nước thải được xây dựng và đi vào hoạt động đạt tỷ lệ cao, như vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Đồng thời, số lượng các doanh nghiệp trong KCN, KCX đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ cao, tới 85%.

Trước đây, nhiều DN đổ lỗi lý do xả trộm nước thải là do chưa xây dựng hệ thống xả thải tập trung, nhưng ngay cả khi có hệ thống xử lý nước thải tập trung, để giảm thiểu chi phí, họ vẫn xả trộm ra môi trường. Đây là điều làm đau đầu các cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ môi trường.

Tìm nguyên nhân khiến doanh nghiệp xả trộm…

Trở lại với vụ xả thải của Công ty Hào Dương, từ 2004 đến nay, Hào Dương đã bị phạt hàng chục lần với mức tiền phạt từ 33-170 triệu đồng. Nhưng với lượng xả thải 2.500 - 3.500 m2/ngày, số tiền phạt này là rất nhỏ số tiền mà Hào Dương đã “tiết kiệm” được từ hành vi xả thải trộm.

Chi phí xử lý nước thải có giá thành dao động từ 4.000 -15.000 đồng/m3, nếu một nhà máy lớn như Hào Dương, Tung Kuang… thải ra mỗi ngày 2.500 - 5000 m3, thì số tiền bỏ ra cho chi phí vận hành mỗi năm là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chưa kể đến chi phí đầu tư mỗi dây chuyền, hệ thống xử lý nước thải cho một doanh nghiệp thì mức độ tốn kém còn tùy vào lĩnh vực hoạt động, quy mô, loại hóa chất xả thải.

Ông Lê Thành Quân, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nguyên nhân của việc doanh nghiệp xả thải ra KCN, trước hết phải nhắc tới ý thức của các DN. Mặc dù hệ thống xử lý nước thải của DN trong KCN thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, song do việc đầu tư cho công tác môi trường làm tăng chi phí hoạt động của DN, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận, nên việc bảo vệ môi trường chưa được DN tự giác thực hiện.

Ông Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng trên, trước hết là việc nhận thức về bảo vệ môi trường trong một thời gian dài ở nhiều cấp ngành bị xem nhẹ, dẫn đến vi phạm ngày càng nghiêm trọng.

Thứ hai là, nhận thức về pháp luật cũng như trách nhiệm của nhiều doanh nghiệp về bảo vệ môi trường còn thấp. Những DN đó đã đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của cộng đồng.

Quản chặt doanh nghiệp hoạt động trong KCN

Theo ông Lê Thành Quân, để hạn chế việc doanh nghiệp xả thải ra môi trường trong KCN, cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ trong quy hoạch, thu hút đầu tư, cơ chế chính sách… Tuy vậy, quan trọng hơn là, cùng với cơ chế chính sách để khuyến khích DN thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong KCN, thì phải có chế tài nghiêm khắc để các DN trong KCN không dám phạm luật. Bởi theo quy định hiện hành, mức phạt tối đa đối với DN vi phạm xả thải ra môi trường chỉ lên đến 500 triệu đồng. Quá ít so với lợi ích thực tế nếu DN xả trộm thành công. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có các cơ chế để quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân hoặc cấm hoạt động vĩnh viễn, hay rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp vi phạm… nên DN vẫn ngang nhiên vi phạm.

Các DN có phát sinh khí thải phải có hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải. Các DN trong KCN có phát sinh chất thải nguy hại phải có hợp đồng với các đơn vị có chức năng và đủ năng lực để thu gom và xử lý đúng cách.

Đối với các công trình xử lý chất thải của DN, thì cần quy định rõ về tiêu chuẩn, chế độ vận hành để thống nhất thực hiện, đảm bảo được chất lượng của các công trình và chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các DN phát triển hạ tầng KCN cũng như các DN thứ cấp để giúp các DN ý thức rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong và ngoài KCN, KKT…

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần phải có những chế tài nghiêm khắc hơn để góp phần ngăn ngừa, răn đe và xử lý rốt ráo đối với các DN xả trộm nước thải trong KCN.


Theo Hữu Tuấn

Đầu tư

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *