Doanh nghiệp 28/12/2017 14:06

Khởi nghiệp tránh “nói xấu” đối thủ

“Cần đưa vào các số liệu mà nhóm dự án đi khảo sát thực tế. Hạn chế việc “nói xấu” đối thủ, chỉ nên đánh mạnh vào tính mới, cái khác biệt của mình để phục vụ nhu cầu khách hàng.”

Đó là nhận định của ông Đàm Quang Thắng, cố vấn chương trình “Khởi nghiệp nghiệp Quốc gia 2017” tại chương trình chung kết Khởi nghiệp 2017 diễn ra vừa qua tại Hà Nội.

khoi-nghiep-2017-1
Chung kết khởi nghiệp Quốc gia 2017

Cố vấn Đàm Quang Thắng nhận định tổng kết sau khi nghe trình bày các dự án: “Một số dự án chưa đạt được những yêu cầu và vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm. Các nhóm dự án đang đi quá nhiều vào sản phẩm, nặng tới việc đưa ra, bán những thứ mà doanh nghiệp có, chứ chưa nghiên cứu sâu nhu cầu của khách hàng, thị trường.”

“Doanh nghiệp khởi nghiệp cần đánh giá được quy mô thị trường. Trong đó, có 4 phân khúc thị trường là: thị trường mục tiêu, thị trường tiềm năng, thị trường gần nhất,… Các doanh nghiệp khởi nghiệp phải đi theo nguyên tắc đi từ thị trường gần nhất, đối tượng mà doanh nghiệp có thể bán hàng ngay lập tức, đạt được nguồn lực để phát triển dài hơi hướng tới các thị trường tiếp theo", ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng lưu ý các nhóm tham gia: “Cần chú trọng tới sự khác biệt, tính sáng tạo và điểm đột phá của sản phẩm. Bởi, doanh nghiệp mới phải có sự khác biệt nếu muốn chen chân vào thị trường. Sáng tạo chính là điểm cốt lõi để quyết định sự thành công của dự án.”

“Bên cạnh đó, các dự án có quá nhiều số liệu ảo và tính toán còn mang nhiều cảm tính. Cần đưa vào các số liệu mà nhóm dự án đi khảo sát thực tế. Hạn chế việc “nói xấu” đối thủ, chỉ nên đánh mạnh vào tính mới, cái khác biệt của mình để phục vụ nhu cầu khách hàng”, ông Thắng lưu ý thêm.

Dự án đã kêu gọi được 80% vốn đầu tư

Hiện đang là sinh viên năm cuối Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhưng Nguyễn Thanh Bình, chủ dự án gà H’ Mong Yên Bái, rất khát khao giới thiệu, quảng bá và phát triển giống gà H’Mong đến khắp mọi miền Tổ quốc và ra thế giới.

Chia sẻ trong chung kết khởi nghiệp năm 2017, Bình nói: “Gà H’Mong Yên Bái là một trong những ước mơ khởi nghiệp của nhóm sinh viên khởi nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Dự án đã được triển khai ngay sau cuộc thi khởi nghiệp của chính Học viện Nông nghiệp Việt Nam 2017.”

khoi-nghiep-2017-2
Giống gà H'Mong độc đáo cần được bảo tồn và phát triển

“Nhưng đến với cuộc thi “Khởi nghiệp 2017” chúng tôi mới có thể gọi vốn và được hỗ trợ toàn bộ tiền cám, thức ăn chăn nuôi tương đương với 200 triệu đồng tiền mặt. Vào đến Chung kết khởi nghiệp 2017, mục tiêu của chúng tôi là kêu gọi thêm 100 triệu đồng nữa từ các nhà đầu tư để hoàn thành ước mơ khởi nghiệp”, Bình chia sẻ.

Tuy nhiên, với dự án Trang trại Gà H’Mong B&C cung cấp gà giống H’mông với tổng chi phí dự án 2,6 tỷ đồng. Cố vấn chương trình khởi nghiệp Quốc gia 2017, ông Đàm Quang Thắng nhận định: “Dự án đang tập trung quá nhiều vào kênh phân phối. Cần có sự nghiên cứu sâu hơn về nhu cầu thị trường, đứng ở góc độ khách hàng nhiều hơn.”

Cùng quan điểm đó, Cố vấn khác của chương trình, ông Hoàng Văn Dũng, cho rằng: “Dự án đang xa rời tiêu chí căn bản về việc “thị trường đang cần gì?”. Vì sản phẩm mang chất lượng dinh dưỡng tốt nhưng chưa chắc được người tiêu dùng đón nhận. Nhất là sản phẩm gà H’Mong có màu sắc bên ngoài lại toàn là màu đen”

“Không những vậy, trong khi nhu cầu thị trường có tính loại trừ, dự án cần tính toán được các đối thủ của mình, phân tích sản phẩm của đối thủ, phân tích sản phẩm thay thế - là đối thủ cho sản phẩm của mình, để có thể chen chân vào phân khúc thị trường hiện có”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng báo cáo tài chính của dự án chưa thể hiện được tính logic trong bảng phân tích từ nguồn vốn tới mức đầu tư và nguồn doanh thu, lợi nhuận sau thuế.

Mới chỉ là những bước khởi đầu nên không chỉ dự án gà H’Mong mà các dự án tham gia đều có khá nhiều điểm chưa hoàn thiện. Ví dụ như dự án “Sản xuất và Kinh doanh Nấm ăn cao cấp Hoàng Đế và giá thể trồng rau sạch” nếu không tập được vào sản phẩm cốt lõi, không tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường thì sẽ rất dễ thất bại.

Năm nay, cuộc thi Khởi nghiệp 2017 đã có sự thay đổi căn bản trong việc tiếp nhận bài tham dự cuộc thi. Thay vì tiếp nhận bài dự thi trực tiếp, Ban tổ chức đã mời khoảng 15 đơn vị thuộc mạng lưới khởi nghiệp tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp cấp cụm trường, khu vực, từ đó chọn ra các dự án xuất sắc để tham gia cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia.

Năm 2017, 159 dự án được sàng lọc từ hơn 500 dự án cũng như ý tưởng kinh doanh của 1.200 thí sinh tham dự ở cấp trường, khu vực đã được đề của để tham gia cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia.

Qua 4 lượt chấm chéo chia làm 2 vòng, Ban Tổ chức đã chọn ra được 6 dự án/159 dự án có số điểm cao nhất để lọt vào vòng Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2017.

Thế Hưng

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *