Doanh nghiệp 27/03/2014 06:43

Hợp nhất FPT mãi chỉ là giấc mơ dang dở?

FICA - Không loại trừ khả năng SCIC sẽ đồng ý chuyển nhượng khoản đầu tư tại FPT Telecom, thế nhưng, câu hỏi quan trọng hơn là họ sẽ chấp nhận chuyển nhượng "con gà đẻ trứng vàng" tại giá nào và liệu FPT có "chịu" hay không?

Cuối tuần này (29/4), FPT sẽ họp đại hội cổ đông thường niên năm 2014. Khác với các kỳ đại hội 3 năm trước, cổ đông FPT có lẽ sẽ không còn nhắc nhiều tới câu chuyện bao giờ hợp nhất FPT Telecom.

FPT là tập đoàn có sự khác biệt khá lớn giữa lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ - phần sẽ được dùng để tính lợi nhuận chưa phân phối, chia cổ tức. Đơn giản, vì FPT phải chia sẻ một phần không nhỏ lợi nhuận tại các công ty con cho cổ đông thiểu số.

Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn: báo cáo tài chính của FPT


Để thu hẹp khoảng cách này, FPT từng bước thực hiện một phần trong mục tiêu ONE FPT  - một FPT hợp nhất. Năm 2011, Tập đoàn phát hành cổ phần hoán đổi cho cổ đông thiểu số của FPT Software, FPT Trading và FPT IS, đưa 3 công ty này trở thành công ty con do FPT nắm 100% vốn.

Năm 2013, FPT đã chuyển quyền sở hữu FPT Services về FPT IS, vì vậy, số lượng công ty con của FPT giảm từ 9 xuống 8 đơn vị. Trong đó, FPT sở hữu 100% tại 5 công ty, sở hữu 94,51% tại FPT Retail, 42,51% tại FPT Telecom và 50,05% tại FPT Online.

Năm 2012, lợi nhuận trước thuế của FPT Telecom là 894 tỷ đồng, của FPT Software là 495 tỷ đồng, FPT IS là 483 tỷ đồng.

FPT Telecom là đơn vị có lợi nhuận lớn nhất trong tất cả các công ty thành viên của FPT. Tuy nhiên, do chỉ sở hữu 43% cổ phần tại FPT Telecom nên FPT Software và FPT IS mới là đơn vị mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho FPT.

Tỷ lệ sở hữu này là do theo quy định của Luật Viễn thông trước đây, Nhà nước nắm cổ phần chi phối tại tất cả các công ty viễn thông. Do đó, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới là cổ đông lớn nhất với hơn tỷ lệ sở hữu hơn 50% tại FPT Telecom.

Tuy nhiên, theo Luật Viễn Thông có hiệu lực từ 1/7/2010, Nhà nước sẽ chỉ chi phối tại một số doanh nghiệp viễn thông nhất định và FPT Telecom không nằm trong số những công ty này. Chính vì vậy, trong kỳ họp cổ đông thường niên năm 2011, khi ông Trương Đình Anh còn là Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, ông đã chia sẻ dự định của FPT sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom.

Hơn thế, FPT Telecom lại sở hữu tới 60% tại FPT Online. Tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom cũng đồng nghĩa với việc tăng sở hữu tại FPT Online và ngược lại. Ông Trương Đình Anh cho biết, nếu hợp nhất được FPT Telecom, tính chung FPT sở hữu trên 80% của FPT Online.

Hai năm sau đó, vấn đề bao giờ FPT tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom lại được cổ đông chất vấn tại kỳ đại hội năm 2013. Bà Chu Thị Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc FPT, Chủ tịch FPT Telecom tại thời điểm đó cho biết, FPT và SCIC đang làm việc với các bên tư vấn để đánh giá và trong 1 - 2 tháng tới sẽ có những tiến triển tiếp theo.

Thế nhưng, cổ đông FPT chưa kịp nghe những thông tin khả quan từ thương vụ này thì đầu tháng 12/2013, Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu giai đoạn đến năm 2015 cho phép SCIC nắm giữ, đầu tư dài hạn tại FPT Telecom. Đây là một trong 4 khoản đầu tư mà SCIC sẽ nắm giữ dài hạn trong tổng số hơn 400 doanh nghiệp thuộc danh mục của SCIC. Trong khi đó, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn khoản đầu tư hơn 6% tại FPT.

FPT Telecom là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất trong 4 "con gà để trứng vàng" của SCIC (cùng với Vinamilk, Dược Hậu Giang và Vinare), với mức tăng trưởng bình quân trong 4 năm (2009-2012) đạt 57% và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chỉ thua Vinamilk, đạt 32%. Kèm theo đó, tỷ lệ chi trả cổ tức FPT Telecom ở mức vượt trội so với mặt bằng chung của thị trường, ở mức 40-50%.

FPT Telecom cũng như trường hợp của Vinamilk, chỉ cần cổ phiếu này "hở" room cho nhà đầu tư nước ngoài thì ngay lập tức sẽ được mua kín room. Đã từ lâu, việc chuyển nhượng cổ phiểu Vinamilk của bất kỳ nhà đầu tư ngoại nào cũng chỉ xoay quanh chuyển nhượng nội khối.

Không loại trừ khả năng SCIC sẽ đồng ý chuyển nhượng khoản đầu tư tại FPT Telecom, thế nhưng, câu hỏi quan trọng hơn là họ sẽ chấp nhận chuyển nhượng "con gà đẻ trứng vàng" tại giá nào và liệu FPT có "chịu" hay không?

Lợi nhuận mảng viễn thông của FPT không tăng trưởng trong ngắn hạn

Năm 2014, FPT đặt mục tiêu 31.892 tỷ đồng doanh thu và 2.672 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt là 11% và 6% so với năm 2013.

Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế mục tiêu của khối viễn thông năm 2014 là 966 tỷ đồng, không tăng trưởng so với năm 2013. Trong đó, dịch vụ viễn thông dự kiến mang lại lợi nhuận 820 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2013 và nội dung số đạt 145 tỷ đồng, tăng 4%.

Các năm trước, lợi nhuận từ mảng dịch vụ viễn thông luôn tăng trưởng với tốc độ khoảng 20%/năm.

Lý giải việc đặt mục tiêu doanh thu tăng mạnh hơn tốc độ tăng lợi nhuận, FPT cho biết, năm 2014, Tập đoàn đã thông qua kế hoạch đầu tư mạnh cho việc quang hóa hạ tầng viễn thông. Với việc lựa chọn hình thức khấu hao nhanh cho các khoản đầu tư này nên kế hoạch lợi nhuận của mảng viễn thông không tăng trưởng trong ngắn hạn.

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *