Doanh nghiệp 19/11/2017 14:16

Hiệp hội thương mại Mỹ: Dự thảo Luật An ninh mạng tăng chi phí của doanh nghiệp

Dự thảo Luật An ninh mạng có nguy cơ trở thành rào cản đối với nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam. Bên cạnh đó, có thể tăng khó khăn và tăng chi phí hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Đây là chia sẻ của ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) với báo chí xung quanh Dự thảo Luật An ninh mạng đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến và thẩm định của các cơ quan của Quốc hội.

Đại diện thương mại Mỹ cho rằng: Tại Dự thảo Luật An ninh mạng còn thiếu rõ ràng và trách nhiệm mà các doanh nghiệp phải thực hiện. Điều này có thể cản trở tính sáng tạo, đổi mới trong hoạt động cung cấp dịch vụ internet, và trên quy mô rộng hơn, có thể cản trở sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham)
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham)

Bên cạnh đó, những yêu cầu được nêu ra trong Dự thảo Luật, cụ thể là những yêu cầu liên quan đến lưu trữ dữ liệu có nguy cơ làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đối với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Đặc biệt, những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) sẽ bị tác động lớn hơn do có ít nguồn lực hơn trong việc đảm bảo tính tuân thủ về yêu cầu lưu trữ dữ liệu, cũng như những yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm toán và các yêu cầu tuân thủ khác.

"Về khái niệm an ninh mạng chỉ là những biện pháp kỹ thuật và công nghệ không bao gồm thông tin mạng và cũng không có liên quan đến việc các server đặt ở đâu. Cần thiết phải có luật nhưng khái niệm an ninh mạng và phạm vi điều chỉnh nên phù hợp với khái niệm đó", ông Andam cho hay.

Ông Adam Sitkoff cho rằng: "Dự thảo Luật có thể không nhất quán với những cam kết WTO. Việc áp dụng những quy trình, thủ tục thẩm định không rõ ràng có thể tạo ra những rào cản kỹ thuật không cần thiết trong hoạt động thương mại, hoặc sự thiếu nhất quán giữa quy định trong nước và cam kết của Việt Nam tại WTO. Theo khuyến nghị của chúng tôi, Chính phủ Việt Nam nên rà soát lại những quy định trong Dự thảo Luật và điều chỉnh cho phù hợp hơn với thông lệ quốc tế".

Trước đó, trong góp ý gửi cơ quan của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khuyến cáo cân nhắc nhiều điều khoản trong dự thảo Luật An ninh mạng.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Trong cam kết của WTO mà Việt Nam tham gia cuối năm 2006, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết trong EVFTA mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự.

"Như vậy, quy định về việc đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam tại khoản 4 Điều 34 của Dự thảo là trái với cam kết WTO và EVFTA của Việt Nam" văn bản góp ý VCCI cho biết.

Tại Hội thảo bàn về Dự thảo Luật An ninh mạng gần đây, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI nói: “Phạm vi điều chỉnh có tách bạch hay không, đầu mối quản lý nhà nước có thật sự rõ ràng hay không. Khi phân tích dự thảo luật này, chúng tôi thấy có nguy cơ chồng chéo", ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng bày tỏ sự băn khoăn về ranh giới phân biệt giữa 2 khái niệm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

“Trên thế giới không biết đã có bao nhiêu nước xây dựng và ban hành riêng 2 Luật an toàn thông tin mạng và an ninh mạng. Nhìn từ góc độ kinh doanh, chúng tôi thấy rằng giao thoa giữa hai Luật này rất lớn. Cá nhân tôi nhận thấy có khi nhiều là tốt nhưng cũng có khi nhiều lại chưa chắc đã tốt. Cho nên, kỳ vọng cá nhân của tôi là 2 Luật này trong tương lai có thể họp lại thì sẽ rất tốt”, ông Hưng cho hay.

Đại diện VECOM mong muốn Ban soạn thảo sẽ có sự cân nhắc kỹ càng để tránh trùng lặp nội dung với các văn bản luật khác đang hiện hành.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng: Băn khoăn của DN nước ngoài về sự không rõ ràng của Luật là đúng đắn, đơn cử là việc yêu cầu nhà mạng đặt máy chủ ở Việt Nam. Điều này chính Việt Nam phải thỏa mãn các quy định như có đủ hạ tầng hay không để họ đặt máy chủ? Bên cạnh đó, có luật pháp nước nào quy định như vậy hay không?

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *