Doanh nghiệp 16/07/2019 15:02

Hệ luỵ xưởng bóc "mọc như nấm sau mưa": Chặn cầu tranh nhau từng xe gỗ

Giữa năm 2018, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu nổ ra, một số xưởng lớn (có cả các xưởng Trung Quốc) thu mua ồ ạt hàng ván bóc để sản xuất. Người dân Hạ Hoà (Phú Thọ) đã đua nhau mở xưởng bóc, nhưng chỉ 1 năm sau, hệ luỵ của nó để lại thì khôn lường.

Hệ luỵ xưởng bóc "mọc như nấm sau mưa": Chặn cầu tranh nhau từng xe gỗ

Cách đây khoảng 1 năm, tiếng lạch cạch của những máy bóc gỗ cũ kĩ ngày một dày đặc tại vùng quê Hạ Hoà (Phú Thọ), bởi sự tăng nhanh chóng mặt của các xưởng bóc gỗ. Thấy hàng xóm làm ăn được, nhiều nhà cũng đua nhau vay ngân hàng để sắm ít máy cũ về làm. Phần vì có ít vốn muốn mở ra làm cái nghề gì đó, phần vì thấy hàng xóm làm ăn được, nên cũng muốn nhảy vào theo.

Nguồn cơn của việc này là do, thời điểm đó, khi chiến tranh thương mại vừa manh nha nổ ra, một số xưởng lớn, mà trong đó có một xưởng lớn nhất vùng của Trung Quốc là Junma, đã ồ ạt mua hàng ván bóc về sản xuất ván ép.

Hệ luỵ xưởng bóc mọc như nấm sau mưa: Chặn cầu tranh nhau từng xe gỗ - 1

Xưởng bóc đóng cửa không hoạt động

Ván ép thời điểm đó xuất đi nhiều và liên tục, nên dẫn đến hàng ván bóc cũng cần rất nhiều. Các xưởng làm lâu năm tại vùng quê Hạ Hoà bỗng nhiên phải tăng năng suất hết mức, mà vẫn không đủ hàng. Giá cũng vì thế mà đẩy lên cao do khan hàng.

Vậy là từ khoảng 100 xưởng, 3 xã Ấm Hạ, Gia Điền, Phương Viên nay đã có gần 200 xưởng chuyên làm ván bóc. Làng nghề ngày càng lớn và “phình” ra do mở tràn lan đã kéo theo nhiều hệ luỵ.

Hệ luỵ xưởng bóc mọc như nấm sau mưa: Chặn cầu tranh nhau từng xe gỗ - 2

Máy móc cũng "đắp chiếu"

Mà trong đó, hệ luỵ đầu tiên theo anh Hùng (xã Ấm Hạ, Hạ Hoà) - chủ một xưởng bóc là việc, giá nguyên liệu đang tăng nhanh chóng mặt. Từ lúc phong trào sản xuất chưa rộ lên, giá 1 tấn gỗ nguyên liệu chỉ khoảng 1,1 triệu đồng, nhưng bây giờ đã lên 1,45 triệu đồng/tấn.

“Ngày trước, gỗ xấu thì các xưởng có thể không lấy hoặc giảm giá. Nhưng hiện giờ, gỗ nào cũng phải lấy, dính đinh, sâu, cong thì giá cũng như nhau”, ông chủ xưởng cho biết thêm.

Giá cao là một chuyện, gỗ nguyên liệu đang dần cạn mới thực sự là vấn đề. Theo anh Hừng, ở xã có rất nhiều rừng đồi, nhưng có khi chỉ phục vụ 1 xưởng là hết. Vì thế, 100% gỗ nguyên liệu đều phải nhập về từ tỉnh khác, và đa phần đều là từ miền Trung, do nguồn gỗ ở miền Bắc cũng đã khan hiếm.

“Thế nhưng, gỗ là loại tài nguyên càng khai thác càng nhanh hết. Các xe gỗ từ miền Trung ra tới đây đã ít, lại còn bị các xưởng khác tranh mua mất. Họ chặn xe từ ngay đầu cầu vào xã, chỉ cần hỏi bán với giá bao nhiêu, họ trả cao hơn một chút là các chủ xe sẵn sàng bán luôn”, anh Hùng nói.

Hệ luỵ xưởng bóc mọc như nấm sau mưa: Chặn cầu tranh nhau từng xe gỗ - 3

Các xưởng ồ ạt mọc lên gần như phải đóng cửa thời điểm này do không có gỗ để làm, chỉ có các xưởng làm lâu năm, có mối quan hệ mới duy trì được

Anh Hùng cũng chẳng dám trách móc thêm gì, cũng bởi đây là kinh doanh, là cạnh tranh. Và vì các vùng cung cấp nguyên liệu cũng không kí hợp đồng do không đủ nguồn cung, nên việc mua bán của anh Hùng hoàn toàn chỉ qua điện thoại.

Dù mỗi buổi sáng có 40 - 50 xe đầu kéo chở gỗ từ miền Trung ra Hạ Hoà. Nhưng không phải nhà nào cũng có mối nhập gỗ, nên việc tranh cướp hoàn toàn có thể xảy ra.

Hơn nữa, mỗi xe đầu kéo chở đủ tải chỉ được khoảng 30 - 33 tấn gỗ, chỉ đủ phục vụ cho 1 xưởng làm trong 1 ngày. Do đó, có rất nhiều xưởng bóc hiện phải đắp chiếu chờ hàng.

Hệ luỵ xưởng bóc mọc như nấm sau mưa: Chặn cầu tranh nhau từng xe gỗ - 4

Nơi phơi ván trống trơn

Theo ước tính của một số chủ xưởng, hiện có tới 80% các xưởng tại 3 xã của huyện Hạ Hoà phải đóng cửa vì không có nguyên liệu.

Đó là các xưởng không có gỗ, ngay cả xưởng trụ lâu như nhà anh Hùng cũng chỉ sản xuất một nửa, còn 200 - 300 khối/tháng, chịu lỗ để cố duy trì cho qua đợt khó khăn. Lỗ là bởi, các xưởng bóc đang bị ép giá từ nhiều phía. Đầu vào bị ép đã đành, đầu ra cũng bị ép do có quá nhiều nhà cung cấp, nhiều sự lựa chọn.

Giá trung bình tại xưởng khoảng 2,7 - 2,9 triệu đồng/m3, không thay đổi so với trước. Nhưng các xưởng ép ngày càng yêu cầu chất lượng cao hơn như ít tàu rách, đều ly, ván không thủng to,… Vì thế một hệ luỵ khác là, các xưởng bóc dùng máy móc cơ, máy móc cũ kém chất lượng gần như không đáp ứng tiêu chí xuất khẩu, hàng sản xuất ra bán giá rất rẻ nên lỗ là chuyện đương nhiên.

Nếu không qua được đợt này thì công nhân của anh Hùng sẽ bỏ đi hết, lúc phục hồi trở lại sẽ không có người làm. Nhưng nếu 1 - 2 tháng nữa mà vẫn chưa thoát ra được, thì anh Hùng cũng đành đóng cửa.

Hệ luỵ xưởng bóc mọc như nấm sau mưa: Chặn cầu tranh nhau từng xe gỗ - 5

Các xưởng bóc dùng máy móc công nghệ cũ gần như không có cửa xuất khẩu

Thậm chí, để cố kéo dài thời gian, cả nhà anh Hùng còn phải đi du lịch cho hết ngày hết tháng, vì đi du lịch mất chục triệu mà “ấm vào thân” còn làm thì mất không cả chục triệu. Các chủ xưởng không có gỗ trong làng thì mổ lợn liên tục để bày vẽ ra ăn uống.

Sự gia tăng chóng mặt của các xưởng bóc tưởng như là phát triển kinh tế. Nhưng thực ra, các xưởng ép tự phát này đều chỉ sử dụng công nghệ, máy móc cũ, nên hàng sản xuất ra không thể xuất khẩu được. Hơn nữa, nó đang đẩy các vùng gỗ nguyên liệu vào khủng hoảng, mà giá trị tạo ra lại không cao.

Các xưởng bóc này nếu không sớm thay đổi công nghệ, không nâng cao giá trị hàng hoá thì rất khó để vượt qua những con sóng khủng hoảng.

Thế Hưng

Hệ luỵ xưởng bóc mọc như nấm sau mưa: Chặn cầu tranh nhau từng xe gỗ - 6

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *