Doanh nghiệp 07/12/2013 13:56

Ham tuyển dụng người nhà có ngày phá sản!

FICA - Theo nhận xét của lãnh đạo LienVietPostBank, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ưu tiên tuyển người nhà, người quen mà bỏ qua nhiều nhân tài, điều này sẽ ẩn chưa nhiều nguy cơ. Đồng thời cho biết, thời điểm này là cơ hội vàng để tuyển nhân sự ngân hàng.

Chiều 6/12, nhân sự kiện “Kinh tế 2014 – CEO & Bài học đắt giá trong tiến trình phát triển doanh nghiệp” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank đã có cuộc trao đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp và PV Dân trí các vấn đề liên quan đến quản trị và vay vốn thời điểm hiện nay.
 

Thảo luận giữa chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng và các CEO tại trụ sở VCCI ngày 6/12
(Ảnh: BD).
 
Thưa ông, đứng ở góc độ người quản lý, ông có nhận xét gì về quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
 
Tôi nhận thấy, nhiều doanh nghiệp của mình bây giờ vẫn làm ăn theo kiểu chộp giật, dựa nhiều vào may rủi mà không có được một chiến lược hoạt động kinh doanh rõ ràng. Nếu không có chiến lược thì chắc chắn khó khăn. 
 
Đơn cử như việc ham tuyển dụng con cháu, người nhà, người quen không học hành gì vào bộ máy. Chúng ta cứ tưởng rằng, người nhà là thân tín là đáng tin nhưng chính người nhà mới nguy hiểm nhất. Vì sử dụng người nhà nên mới chủ quan. 
 
Việc chú trọng tuyển dụng người nhà cũng sẽ khiến doanh nghiệp bỏ qua để tuyển được những người giỏi và thậm chí, khi trọng dụng người nhà, còn làm thất thoát tài sản công ty. Và thực tế cho thấy, đa số những vụ đổ bể cũng từ người nhà mà ra. Và đó cũng chính là một trong những chiến lược – chiến lược chọn người của doanh nghiệp.
 
Ông từng nói, trong các phẩm chất của con người thì trí tuệ cần được xếp số 1. Thế nhưng, thực tế trong cuộc sống, nhiều người có trí tuệ nhưng vẫn bị xếp sau trong quá trình tuyển dụng. Ông đánh giá sao về thực trạng này? 
 
Theo những trải nhiệm mà tôi đúc kết được, ở Việt Nam, chuyện sử dụng người nhà hoặc người quen là có nhiều. Điều này phụ thuộc vào văn hóa của người lãnh đạo doanh nghiệp. 
 
Tôi thấy có những lãnh đạo doanh nghiệp họ chỉ dùng những người sai bảo được, không cần sáng tạo. Nhưng theo tôi, trí tuệ vẫn phải được đặt lên là yếu tố quan trọng nhất, là yếu tố hàng đầu. 
 
Cha ông ta có câu, “thà làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại” là thế! Nếu sử dụng “thằng dại” thì có lúc mình “chết” lúc nào không biết. Thế nên, chắc chắn, trí tuệ vẫn là đi đầu.
 
Tôi cũng thấy, trong thời gian qua, có một số người may mắn, làm giàu bằng cách chộp giật nhưng thời gian tới sẽ không thể có điều đó nữa. Càng ngày việc làm giàu sẽ càng khó khăn hơn. 
 
Được biết, trong thời gian vừa rồi, nhiều ngân hàng đã thực hiện giảm lương, bớt việc. Vậy tại LienVietPostBank thì như thế nào? Các ông có giảm lương và biên chế hay không?
 
Ngân hàng chúng tôi vừa rồi có ban hành Nghị quyết, nêu rõ là chỉ có đổi mới biên chế chứ không giảm biên chế. Có nghĩa là, vẫn có thay đổi nhân sự, có người nghỉ và có người mới được tuyển bổ sung vào vị trí trống đó.
 
Chúng tôi nhận thấy rằng, chưa bao giờ ngành ngân hàng lại có điều kiện thuận lợi về nhân sự như giai đoạn này. Có rất nhiều nhân sự ở các ngân hàng khác họ đi ra nhưng, trong số đó có rất nhiều rất giỏi và nếu tuyển vào chúng tôi sẽ không phải đào tạo. Cho nên, về chiến lược nhân sự thì bây giờ mở rộng mạng lưới mới đúng sách nhất!
 
Tôi cũng không hiểu, vì sao nhiều nhân sự giỏi ở cá ngân hàng khác họ nghỉ việc, có thể vì lý do nào đó, nhưng chúng tôi đã mời họ về và họ chọn chúng tôi.
 
Vậy, trong giai đoạn khó khăn này, không giảm biên chế thì LienVietPostBank lấy tiền đâu trả lương cho nhân viên?
 
Ở Liên Việt, đa số trong thành viên trong Hội đồng quản trị đều là những cổ đông lớn. Chúng tôi chỉ cần bớt vài phần trăm cổ tức thì đã có thêm quỹ lương cho anh em rồi. 
 
Có thuận lợi là ở LienVietPostBank, cổ đông lớn tập trung và không rơi vào tình trạng rải rác quá nhiều. Các anh thấy đấy, nếu đại hội cổ đông có quá nhiều cổ đông nhỏ gộp lại thành nhóm cổ đông lớn thì việc đưa ra Nghị quyết cực kỳ khó khăn. Thế nhưng, chúng tôi chỉ có 4 người thông qua thì đã có Nghị quyết rồi. 
 
Như Chủ tịch của chúng tôi, anh Dương Công Minh, tôi thấy, anh ấy cũng không bao giờ nghĩ rằng cần phải “ăn” cổ tức cao lên để ảnh hưởng tới quỹ lương nhân viên cả. Đó là cái thuận lợi mà chúng tôi có được bây giờ.
 
Còn như bản thân tôi, từ người giúp việc trong nhà đến lái xe, tôi hiểu rằng, muốn họ có trách nhiệm và chăm lo tốt cho mình thì phải lo cho họ tốt đã. Tương tự, với nhân viên ở ngân hàng cũng vậy.
 
Nhiều doanh nghiệp cho vay 0% vẫn chết!
 
Có một nghịch lý hiện nay đó là, trong khi các ngân hàng thừa vốn thì doanh nghiệp lại thiếu vốn và rất cần vốn cho sản xuất kinh doanh. Theo ông, làm thế nào để giải quyết được tình trạng này?
 
Tôi cho rằng, ở đây có hai vấn đề để giải quyết. Một là, để bên thừa và bên thiếu gặp được nhau, bên thừa phải đi tìm bên thiếu. Bên thừa vốn là ngân hàng, bên thiếu vốn là doanh nghiệp, và chính bản thân chúng tôi phải đi tìm khách hàng để cho vay. 
 
Và cái quan trọng là ngân hàng cũng phải nhìn ra được, cái thiếu ở đây là cái thiếu cho tương lai. Bây giờ, mặc lãi suất thấp nhưng vẫn cho doanh nghiệp vay, xác định đó là khách hàng chiến lược, họ sẽ là bạn của mình. 
 
Ngân hàng phải biết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lúc họ cần, lúc họ khó khăn mà mình giữ được thì sau này kinh tế phục hồi, người ta sẽ không bao giờ bỏ mình, nếu lãi suất có cao hơn một tí, họ cũng không bỏ mình, họ vẫn chấp nhận và ngân hàng đã đồng cam cộng khổ với họ lúc ngặt nghèo.
 
Tuy nhiên, những biện pháp này rõ ràng không phải dễ. Có những khách hàng đến với ngân hàng nhưng ngân hàng không cho vay được. Tôi phải nói rằng, có những doanh nghiệp nếu cho vay với lãi suất 0% vẫn chết! Họ không có khả năng, không tạo được giá trị gia tăng thì lấy đâu ra lợi nhuận mà trả nợ. 
 
Nên để bên thiếu bên thừa gặp nhau được cũng rất khó!
 
Biện pháp thứ hai là, bên thừa phải biết đi tìm cái mới. Liên Việt đã làm quen với trái phiếu Chính phủ và trái phiếu quốc tế và các sản phẩm phái sinh. Vừa rồi tổng kết lại, chúng tôi đã lãi 1.000 tỷ từ đầu tư vào trái phiếu, sản phẩm phái sinh. 
 
Tôi cũng muốn lưu ý với các đồng nghiệp của tôi, khi chúng ta thừa vốn thì không nên cố gắng chỉ tìm nguồn cho vay mà còn phải tìm rất nhiều kênh đầu tư khác. 
 
Chẳng hạn như mua lại trái phiếu, đối tác mua 100 đồng nhưng vì lo sợ rủi ro nên chỉ bán 60 đồng. Sau khi phân tích, nếu thấy có triển vọng thì có thể mua vào và lúc đó sẽ chỉ phải mua dưới mệnh giá mà vẫn sẽ có lãi lớn. Đó là ứng xử của ngân hàng nên làm khi thừa nguồn vốn.
 
Nói như vậy, có phải, ngân hàng đang “chê” lãi suất thấp nên thay vì đẩy mạnh tín dụng cho doanh nghiệp vay thì lại hướng vào đầu tư trái phiếu và các kênh sinh lợi hơn?
 
Tôi phải nói thế này, “Nước lên thì thuyền lên”. Chúng tôi không quan tâm lãi suất cao hay thấp mà quan trọng nhất là margin được bao nhiêu. Khi lãi suất huy động xuống thì lãi suất cho vay cũng phải xuống. 
 
Trong giai đoạn này có được lãi ít thì cũng tốt rồi. Và trên thực tế, chúng tôi cũng rất muốn đi cho vay, vì sự thật hiển nhiên là nếu không có khách hàng thì ngân hàng chúng tôi cũng không sống được.
 
Đến tháng 6/2014, Thông tư 02 đã bắt đầu có hiệu lực. Có phải do áp lực của Thông tư này mà gần đây các ngân hàng liên tục báo nợ xấu cao đột ngột hay không thưa ông?
 
Gần đây, xuất hiện thêm các khoản nợ xấu mới không phải là sợ Thông tư 02. Nếu Thông tư 02 đến thì không sợ, nợ xấu cũng bùng lên.  
 
Hiện tại, với những khoản nợ đã được gia hạn rồi và sẽ không thể còn gia hạn thêm được nữa và ngân hàng buộc phải chuyển vào danh mục nợ xấu. 
 
Hơn nữa, các ngân hàng cũng đã nhận thấy được lợi ích khi bán lại nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản VAMC, do đó, các Ngân hàng thương mại đã mạnh dạn chuyển nhiều món nợ về nợ thực chất. 
 
Tôi nghĩ là, nên mạnh dạn chuyển sang nợ thực chất để bán, lấy nguồn vốn quay lại, có lợi cho các doanh nghiệp và cho cả ngân hàng.
 
Thông tư 02 may mà được lùi sang năm tới, còn nếu siết các điều kiện ở Thông tư từ tháng 6/2013 có thể đã dẫn đến đổ bể hàng loạt.
 
Với các quy định tại Thông tư này, thì không phải ngân hàng mà trước hết, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Chỉ 1 đồng lãi chưa trả được cho một ngân hàng thì cứ áp theo Thông tư 02, doanh nghiệp đã bị xếp vào diện hồ sơ có nợ xấu. 
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *