Doanh nghiệp 14/11/2013 12:02

Global Witness tiếp tục chỉ trích hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào, Campuchia

FICA - Global Witness cho rằng HAGL không giữ đúng những cam kết giải quyết các vi phạm môi trường tại các dự án tại Lào và Campuchia. Ngược lại, HAGL cho rằng những bằng chứng đưa ra không đáng tin cậy.


Sáng sớm nay, Global Witness (GW) ra thông cáo nhìn lại quá trình 6 tháng đối thoại với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán HAG) sau báo cáo đưa ra hồi tháng 5/2013.


Báo cáo trước đó được thực hiện bởi Tổ chức phi chính phủ này mang tên “Các ông trùm cao su: Cách thức các công ty Việt Nam và các nhà tài phiệt quốc tế đang tiến hành cuộc khủng hoảng chiếm đất tại Campuchia và Lào” chỉ trích Deutsche Bank và tổ chức của Ngân hàng Thế giới là IFC đã tài trợ cho cho HAGL phá rừng làm đồn điền trồng cao su ở Campuchia và Lào hồi tháng 5/2013.

Báo cáo của GW cáo buộc không chỉ HAGL phá rừng làm đồn điền trồng cao su ở Campuchia và Lào mà còn cáo buộc luôn cả Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG).

Trong thông cáo đăng tải sáng nay, GW cho rằng HAGL không giữ đúng những cam kết giải quyết các vi phạm môi trường tại các dự án tại Lào và Campuchia. Nhóm phụ trách điều tra và thực hiện báo cáo này cho rằng việc này có thể khiến các nhà đầu tư của HAGL là Deutsche Bank và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) bị ảnh hưởng và khuyên họ nên thoái vốn.

Tháng 5/2013, cuộc điều tra của Global Witness cho thấy thiệt hại lớn về môi trường và xã hội trong và quanh các đồn điền của HAGL tại Campuchia và Lào, bao gồm cả việc chiếm đất của người dân địa phương và phá một diện tích rừng lớn. GW cho biết sau báo cáo đó, HAGL cam kết giải quyết những vấn đề khẩn cấp này. Tuy nhiên, tổ chức cho rằng rất ít bằng chứng cho thấy có sự thay đổi nào đó tại các khu vực đồn điền của HAGL.


"HAGL đã làm rất tốt việc đưa ra các cam kết nhưng rất tệ trong việc thực hiện chúng. HAGL vội vã cho rằng họ nghiêm túc trong việc thay đổi cách làm của mình, nhưng bằng chứng cho thấy việc khai thác gỗ vẫn tiếp tục và những người dân ở đây vẫn vật lộn để mưu sinh", Megan MacInnes, đại diện của GW phụ trách truyền thông liên quan tới dự án nói.


GW đã cho HAGL và các nhà đầu tư của Tập đoàn 6 tháng để giải quyết những vấn đề được nêu trong báo cáo và bộ phim. Thông cáo viết rằng, sau cuộc họp đầu tiên với GW trong tháng 6/2013, HAGL đã thông báo ngừng hoạt động chặt rừng trong 4 tháng và trồng cây trong khu vực đất đai của mình, đồng thời đồng ý thăm tất cả các làng bị ảnh hưởng để thảo luận và giải quyết những vấn đề mà người dân địa phương đang đối mặt.

Thông cáo cũng nêu kết quả các cuộc phỏng vấn được GW thực hiện với người dân tại 7 làng quanh khu vực đất của HAGL tại Campuchia trong tháng 8/2013. Cụ thể, tại 3 làng, người dân cho biết Tập đoàn vẫn chưa hề tới thăm làng của họ. Bốn làng khác, người dân được hỏi cho biết các quan chức của HAGL từ chối thảo luận về những tranh chấp đất đai hay rừng.


Tại 6 làng trong số này, người dân cho biết việc khai thác gỗ trong và quanh các đồn điền cao su của HAGL vẫn được tiến hành, bất chấp cam kết ngừng hoạt động. Phân tích ảnh vệ tinh độc lập độ che phủ rừng trong các khu vực đất của HAGL trong tháng 7 và tháng 8/2013 của GW cho thấy tình trạng mất rừng tiếp tục diễn ra.


Trong cuộc họp thứ hai với GW vào 9/2013, HAGL đồng ý kiểm toán độc lập các đồn điền trồng cao su của mình để giải quyết những cáo buộc. Tuy nhiên, GW cho rằng Tập đoàn đã không đưa ra cam kết về vấn đề này, thay vào đó quyết định tập trung vào "các chương trình xã hội", mà GW viết đơn giản là một hoạt động PR.


"Tháng 11 đánh dấu thời gian kết thúc 6 tháng theo hạn định để HAGL giải quyết các vấn đề trong báo cáo đã chỉ ra. Việc không hành động gì cho tới nay của HAGL khiến chúng tôi không có lựa chọn nào khác phải kết luận rằng Tập đoàn không có ý định giải quyết những vấn đề này hay nhận trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc", bà Megan MacInnes cho biết.


Ngay trước khi công bố báo cáo này, khi được GW hỏi ngày 13/11/2013, HAGL đã bác bỏ việc thiếu tiến triển. Công ty này tuyên bố đã cung cấp việc làm và thực hiện các dự án phát triển xã hội và kinh tế (bao gồm xây dựng đường xá, nhà cửa và bệnh viện), tuy nhiên mùa mưa và cuộc bầu cử tại Campuchia đã ngăn cản công ty tiếp cận với người dân ở các làng bị ảnh hưởng.

GW cũng cho biết, HAGL tuyên bố Tập đoàn tuân thủ cam kết, bằng chứng ảnh vệ tinh do GW cung cấp là "không đáng tin cậy". Ngoài ra, HAGL cho biết đang tìm một hãng tư vấn độc lập để giúp HAGL thực hiện khảo sát và đưa ra lời khuyên cho HAGL để cải thiện các vấn đề liên quan tới cộng động nhưng các chuyên gia tư vấn phải đi kèm với nhân viên của Tập đoàn để "đảm bảo sự  độc lập của những phát hiện của các chuyên gia tư vấn".

Không đề cập tới Tập đoàn Cao Su Việt Nam trong thông cáo này, GW cho biết các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn đang tiếp tục.

Trao đổi với HAGL hồi cuối tháng 5/2013, ông Võ Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc HAGL xác nhận Tập đoàn có nhận gỗ từ Lào. Tuy nhiên, ông Sơn giải thích rõ, gỗ HAGL đã nhận là nguồn gỗ tạp tận thu từ việc khai hoang khu rừng nghèo trồng cao su từ chính phủ Lào. HAGL đã sử dụng để xây dựng 2.000 nhà tái định cư cho người dân Lào, xây dựng trường học, bệnh viện 200 giường và nhiều công trình vì cộng đồng tại tỉnh Attapeu.

Trao đổi thêm về việc các công trình của HAGL tại Attapeu được hoàn thành vào năm 2011 trong khi năm 2012, Công ty vẫn ghi nhận khoản nhận gỗ từ Chính phủ Lào, ông Sơn giải thích: "Phần gỗ HAGL nhận thực tế ngoài rừng và sau đó có biên bản kiểm tra đánh giá. Tại thời điểm nhận gỗ, các đơn vị của HAGL sẽ dùng gỗ đó để xây dựng các công trình. Phần tính toán giá giá trị để hạch toán trừ nợ sẽ được tính toán sau và khoản này thu chủ yếu thu trong năm 2011"

"Tuy nhiên, tính toán của năm 2011 có một phần sai lệch. Vì vậy, khoản "nhận gỗ của năm 2012" thực tế là phần hạch toán lại của năm 2011".

Đại diện HAGL cũng nhấn mạnh, Tập đoàn đã nhận định các rủi ro và bất lợi nếu nhận gỗ từ Chính phủ Lào để trừ nợ theo thỏa thuận trước đây. Vì vậy, HAGL đã làm việc với Chính phủ Lào để từ chối tiếp tục nhận gỗ.

"Điều đó thể hiện rõ lý do vì sao ngoài các khoản nhận gỗ để xây nhà cho người dân Lào, xây trường học và bệnh viện thì không có thêm bất cứ khoản nào phát sinh thêm sau này", ông Sơn nói.

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *