Doanh nghiệp 30/10/2014 23:27

Gánh nặng tài chính, cổ phần Vietnam Airlines có đủ hấp dẫn?

FICA- Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu trong năm 2013 của Vietnam Airlines là 3,7 lần, đứng ở mức cao nhất và gấp 1,8 lần so với bình quân khu vực.

Nhật ký tư vấn ngày 30/10 của Chứng khoán Rồng Việt cho biết, cùng ngày, chuyên viên ngành của Rồng Việt có tham dự buổi Roadshow của Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Đối với các nhà đầu tư tại Việt Nam và ngay cả chuyên viên của RongViet Research, ngành hàng không thực sự là một lĩnh vực mới mẻ mà người phân tích thừa nhận không có nhiều kinh nghiệm. Những chia sẻ trong một buổi sáng là thời gian chưa đủ để có một đánh giá toàn diện về thương vụ IPO “khủng” này.

NKTV của Rồng Việt chủ yếu đưa ra một góc nhìn từ việc so sánh Vietnam Airlines và các hãng hàng không có quy mô tương đồng trong khu vực.

Vietnam Airlines với vị thế là công ty hàng không lớn nhất Việt Nam so với các hãng hàng không trong khu vực vẫn còn tương đối non trẻ, với tổng tài sản và vốn ở mức gần như thấp nhất trong khu vực (trừ Cebu Airlines).

Tính đến cuối năm 2013, công ty có đội bay gồm 83 máy bay với độ tuổi trung bình khoảng 5,34 năm, rất trẻ so với khu vực.

Công ty có một mục tiêu khá tham vọng, trung bình mỗi năm đầu tư thêm khoảng 8 máy bay trong giai đoạn từ 2014-2018. Theo đánh giá của Rồng Việt, điều này sẽ tạo ra một áp lực về vốn lớn đối với công ty hậu IPO.

Một vấn đề nhiều nhà đầu tư quan tâm là cơ cấu nợ của Công ty đang ở mức rất cao. Cụ thể, hệ số nợ/VCSH trong năm 2013 là 3,7 lần, đây là đặc thù của ngành nhưng so với khu vực thì tỷ lệ nợ vay của Vietnam Airlines đang đứng ở mức cao nhất và gấp 1,8 lần so với bình quân khu vực.

Nếu xem xét một số chỉ số tài chính quan trọng như biên lợi nhuận, ROA, ROE hay tăng trưởng thì Rồng Việt cho rằng, ngành hàng không có vẻ không phải là một ngành hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cá nhân.

Thương vụ IPO Vietnam Airlines theo đánh giá của Rồng Việt, mang ý nghĩa ở tầm vĩ mô thể hiện bước ngoặt cho quá trình tái cấu trúc DNNN.

Sự chú ý tiếp theo là liệu Công ty có bán được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược? Theo Rồng Việt, nếu Vietnam Airlines thành công trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược bên ngoài, đây sẽ là điểm nhấn tích cực hơn về lộ trình tái cơ cấu DNNN nói chung và đối với sự phát  triển của công ty nói riêng.

Theo chia sẻ tại buổi Roadshow, đã có 2 nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm và lộ trình xem xét mới chỉ bắt đầu. Việc tìm kiếm đối tác phù hợp có thể là một chặng đường dài sau khi Công ty tiến hành IPO vào ngày 14/11/2014 tới đây.

Mai Chi

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *