Đời Sống 04/01/2014 17:45

Nỗi đau trẻ nhỏ giữa vòng vây hàng Tàu nhiễm độc

Người dân không mấy bất ngờ trước thông tin bóng hơi và búp bê đầu trái cây Trung Quốc tại Việt Nam nhiễm độc. Lý do, lâu nay, hàng trẻ em như đồ chơi, sữa, quần áo... xuất xứ từ nước này khiến cả thế giới phát sợ bởi những scandal liên quan đến chất lượng.

Khi thế giới cảnh báo, Việt Nam mới kiểm tra

Kết quả kiểm nghiệm của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng), cho thấy búp bê đầu trái cây và bóng hơi chứa chất độc phthalate vượt mức cho phép, trong đó bóng hơi chứa chất này vượt mức cho phép 400 lần, tương đương 400.000 mg/kg so với quy định hàm lượng tối đa là 1.000 mg/kg tại một số quốc gia Âu, Mỹ. Tất cả đều do Trung Quốc sản xuất.

Tại Hà Nội và TP.HCM, các sản phẩm trên được bày bán rất nhiều. Cơ quan chức năng ngay lập tức tổ chức các đợt kiểm tra, thu hồi đồ chơi trẻ em độc hại. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng các loại búp bê, bóng hơi nêu trên.

Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã phát hiện bốn sản phẩm đồ chơi trẻ em có chứa chất phthalate vượt chuẩn, gồm: thú nhún, xe đồ chơi điều khiển dùng pin MH9996M, búp bê đầu trái cây và bóng hơi. Ngoài ra, đèn lồng nhựa Trung Quốc cũng có hàm lượng cadimi - kim loại độc hại nhất với cơ thể người.

{keywords}
Búp bên trái cây Trung Quốc được bày bán la liệt tại các chợ ở TP.HCM (ảnh Tuổi trẻ)

Đây không phải là lần đầu tiên phát hiện đồ chơi Trung Quốc bị nhiễm độc. Cách đây 6-7 năm, khi các nước châu Âu và Mỹ đồng loạt nói không với đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc thì tại Việt Nam, chúng vẫn tràn ngập. Đơn giản, những quy định ở Việt Nam về mức độ độc hại trong sản phẩm hoặc ở ngưỡng thấp, hoặc còn thiếu (như với chất phthalate), và hầu hết chỉ khi thế giới cảnh báo thì tại Việt Nam mới tiến hành kiểm tra, xét nghiệm. Thế nên, các loại đồ chơi độc hại vẫn được bày bán la liệt. Người lớn vẫn mua và trẻ em vẫn chơi mà không thể lường hết được nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe. Chưa kể, còn bao nhiêu loại đồ chơi có chứa chất độc khác mà Việt Nam chưa phát hiện ra.

Đến thời điểm này, khi Việt Nam cảnh báo các bà mẹ không nên mua đồ chơi có chất độc hại xuất xứ từ Trung Quốc cho con thì tại Mỹ, nhà chức trách nước này đã tịch thu hơn 200.000 búp bê Tàu có chứa hàm lượng cao chất phthalate. Năm ngoái, cơ quan chức năng nước này cũng tịch thu hơn 1,1 triệu sản phẩm đồ chơi không an toàn tại các hải cảng ở Mỹ.

Trước đó, tháng 8/2007, tập đoàn đồ chơi lớn nhất thế giới Mattel (Mỹ) cũng thu hồi trên toàn thế giới tới 18,2 triệu sản phẩm đồ chơi mà trẻ em rất thích như búp bê Barbie, Polly Pocket, hình ghép người dơi và ôtô Sarge... sản xuất tại Trung Quốc do ô tô thì có sơn chứa chì vô cùng độc hại; còn búp bê, hình ghép người dơi và một số sản phẩm khác gắn nhiều loại nam châm nhỏ rất dễ rơi ra ngoài và bị trẻ em nuốt phải.

Liên minh châu Âu (EU) tháng 10/2012 vừa qua cũng ra tối hậu thư về cấm đồ chơi Trung Quốc, nếu các sản phẩm này không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn. Nói là làm, bởi EU đã từng ra lệnh thu hồi 15 mặt hàng đồ chơi và trang phục trẻ em có xuất xứ Tàu do chúng chứa nhiều thành phần gây hại cho sức khỏe trẻ em. Thậm chí, giày dép trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc cũng có hàm lượng chrome vượt quá sáu lần mức cho phép, bị xếp vào hàng "nguy hiểm" đối với trẻ em và bị cấm tiêu thụ tại thị trường châu Âu.

Trẻ em ăn, mặc, chơi gì cho khỏi độc?

Ngoài đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc có chất độc, thì quần áo trẻ em do nước này sản xuất cũng bị cáo buộc có độc tố.

Nếu như năm 2009, gần một nửa mặt hàng quần áo và một phần ba số đồ dùng cho trẻ được sản xuất tại Quảng Đông, Trung Quốc bị phát hiện không an toàn vì chứa hóa chất formaldehye, một tác nhân gây ung thư thì tới cuối tháng 2/2013, tại nước này lại phát hiện chất aromatic amine có trong đồng phục học sinh cũng gây ung thư.

{keywords}
Các tiểu thương thường sang Quảng Châu (Trung Quốc) đánh hàng quần áo trẻ em về bán, chưa kể Việt Nam không kiểm soát nổi hàng nhập lậu các cửa khẩu nên sản phẩm này có xuất xứ Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường.

Đến tháng 12/2013, một báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh Đông Á công bố cho biết hàng may mặc trẻ em sản xuất tại hai thành phố ở Trung Quốc có chứa chất gây rối loạn hormone và hóa chất độc hại đối với hệ sinh sản, hệ nội tiết, có thể làm trẻ ngớ ngẩn.

Điều đáng nói, quần áo trẻ em mà tổ chức này điều tra được bán tại 98% các thành phố ở Trung Quốc và khắp thế giới. Tại Việt Nam, quần áo trẻ em hầu hết nhập từ nước này. Tại Hà Nội cũng đã phát hiện thấy chất formadehyde gây hại cho da trong quần áo Trung Quốc bày bán tại thị trường Hà Nội.

Mấy năm gần đây, hàng Việt Nam mới nhiều hơn nhờ các nhà may trong nước chú trọng đến đối tượng trẻ em, tuy nhiên, nếu so với hàng Trung Quốc thì giá vẫn cao gấp 3-4 lần và hầu hết mới bán tại các thành phố lớn.

Còn về đồ ăn, hẳn các bà mẹ chưa quên vụ sữa Trung Quốc nhiễm chất độc melamine rúng động toàn thế giới năm 2008. Pha loãng sữa để tăng thể tích bán ra, người ta đã cho thêm melamine vào sữa nhằm tạo cảm giác sữa có nhiều protein hơn để vượt qua các cuộc kiểm tra chất lượng. Trẻ uống sữa trộn melamine kéo dài sẽ bị thiếu dinh dưỡng, nhưng tệ hại hơn là chất độc melamine sẽ tích tụ qua từng ngày, lắng cặn lại và gây hại cho cơ thể.

Tại Việt Nam, theo danh sách do Bộ Y tế công bố, có tới gần 30 sản phẩm là sữa và các sản phẩm làm từ sữa như bánh quy, cà phê... bị phát hiện nhiễm chất độc này do các công ty thực phẩm trong nước nhập sữa bột nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vụ việc đã làm các bà mẹ Việt hoang mang và đổ xô đi tìm sữa nội, sữa ngoại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho con.

Ăn uống thì vớ phải sữa có melamine tạo cảm giác nhiều protein hơn, quần áo mặc gây dị ứng, nguy cơ ung thư và ngớ ngẩn... , đồ chơi cũng chứa đầy chất độc, các bà mẹ biết làm gì để bảo vệ sức khỏe trẻ em? Tại Việt Nam, khi mà phần lớn quần áo và đồ chơi vẫn đang nhập khẩu và bị thẩm lậu từ Trung Quốc, thì nguy cơ trẻ phải tiếp xúc với các nguồn nhiễm độc ngày càng lớn. Có lẽ, ngoài lời khuyên các bà mẹ Việt tỉnh táo khi chọn đồ cho con thì chỉ còn cách kêu gọi nhà sản xuất Trung Quốc có lương tri và trông đợi vào công cụ luật pháp hữu hiệu để chặn đứng những hành vi vô đạo trên.

Theo Ngọc Hà

VEF

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *