Doanh nghiệp 22/09/2014 15:22

Dược Hậu giang lỡ hẹn với "miền đất hứa" Myanmar

FICA - Do lo ngại khó khăn và mức độ rủi ro cao, Ban Giám đốc Dược Hậu Giang đã quyết định ngừng kế hoạch xây mới nhà máy tại Myanmar.

Thông tin từ Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) cho biết, sau thời gian thương lượng, đàm phán, thuê công ty tư vấn thẩm định tài chính, pháp luật, DHG đã quyết định ngưng triển khai kế hoạch đầu tư hơn 91 tỷ đồng mua cổ phần của công ty cổ phần Dược phẩm Ánh Sao Việt với mục đích xây nhà máy mới tại Myanmar. Khoản đầu tư này DHG vẫn chưa chuyển tiền cho đối tác.

Theo DHG, công ty nhận thấy có một số khó khăn và mức độ rủi ro cao trong việc liên doanh xây nhà máy tại Myanmar.

Cụ thể, việc liên doanh với đối tác Myanmar có nguy cơ vi phạm cấm vận của Hoa Kỳ vì Công ty MEIG (đối tác liên doanh) là công ty con của Công ty Zaykabar, hiện nằm trong danh sách những công ty vẫn còn đang bị Hoa Kỳ cấm vận.

Bên cạnh đó, do dự án đầu tư xây dựng nhà máy tại Myanmar của đối tác mà Dược Hậu Giang dự kiến mua lại đã kéo dài và thay đổi thành phần tham gia nên đến nay, giấy phép đầu tư trong nước và tại Myanmar đều phải xin thay đổi hoặc kéo dài hiệu lực. Việt này dẫn đến chi phí tiếp tục phát sinh và thời gian chưa thể hạn định.

Ngoài ra, các vấn đề vay ưu đãi nước ngoài tư Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hiện chưa có cơ sở để yên tâm về lãi suất ưu đãi, thời gian được ưu đãi... Việc chuyển tiền lợi nhuận, cổ tức...từ Myanmar về Việt Nam vẫn chưa có luật rõ ràng từ phía Myanmar. 

Chính vì vậy, Ban tổng giám đốc DHG đã quyết định ngưng đầu tư 91 tỷ đồng mua cổ phần của ASV Pharma Việt Nam với mục đích xây nhà máy mới tại Myanmar. Dược Hậu Giang cho biết khoản đầu tư này công ty vẫn chưa chuyển tiền cho đối tác. 

Phía DHG cho biết, tuy ngừng xây nhà máy mới, DHG vẫn tiếp tục khảo sát mở rộng mạng lưới phân phối và đầu tư Marketing tại Myanmar và sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường giàu tiềm năng này. Hiện tại, DHG đang có 2 khách hàng tại Myanmar với 17 số visa sản phẩm được lưu hành tại thị trường này và dự kiến tăng thêm 5 số đăng ký vào năm 2015. Công ty cũng sẽ tiếp tục tương tác với các đối tác hiện tại và phát triển thêm đối tác mới.

Trước đó, nhìn thấy Myanmar là thị trường mở, nhiều tiềm năng nên DHG có đề ra kế hoạch phát triển thị trường này với việc đầu tư mua 72,86% cổ phần của ASV Việt Nam để nắm giữ gián tiếp 51% cổ phần của Công ty liên doanh ASV Pharma tại Myanmar. ASV Pharma Myanmar đã được cấp phép dự án xây dựng mới nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn WHO GMP tại Myanmar. Mục tiêu của DHG là thông qua việc đầu tư liên doanh xây nhà máy mới tai Myanmar, DHG sẽ phát triển sản xuất, tăng quy mô, tăng thu nhập từ chuyển giao - nhượng quyền công thức sản phẩm của DHG.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg hồi tháng 7, bà Phạm Thị Việt Nga - Tổng Giám đốc của DHG từng tiết lộ về kế hoạch này và lạc quan cho rằng, việc đầu tư xây dựng nhà máy mới tại Myanmar sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DHG.

Theo bà Nga, Myanmar giống như Việt Nam cách đây 10-15 năm, thậm chí còn có thể phát triển nhanh hơn. Hiện tại Myanmar có nhiều ưu đãi dành cho các công ty dược do ở Myanmar không có nhiều công ty thuộc lĩnh vực này. 


Trên bình diện chung, Myanmar được coi là "miền đất hứa" với nhiều doanh nghiệp ngoại bởi nhiều tiềm năng phát triển. Myanmar cũng rất muốn thu hút các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm và trang thiết bị y tế Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Myanmar. Hiện nước này có 60 triệu dân nhưng chỉ mới có 5 nhà máy sản xuất dược và chỉ có 250 doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối thuốc.
 
Trao đổi với báo chí, bà Than Than Sein, đại diện Hiệp hội y tế Myanmar cho hay, nhu cầu thuốc, trang thiết bị y tế và dịch vụ y tế tại Myanmar tăng lên rất nhanh. Dự kiến, thị trường này sẽ tăng 10-15% trong vòng 5 năm tới. Hiện có 5 nước xuất khẩu dược và trang thiết bị y tế hàng đầu đến Myanmar là: Ấn Độ, Thái lan, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia. Bà Than Than Sein từng hy vọng, Việt Nam sẽ là một trong những nước xuất khẩu dược hàng đầu sang Myanmar thời gian tới.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *