Doanh nghiệp 07/09/2015 07:19

Được giảm thuế, DN ô tô vẫn làm mình làm mầy?

Các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước sẽ được hưởng thuế suất 10% thuế TNDN trong vòng 15 năm kể từ khi dự án có lợi nhuận.

Đây là quy định đưa ra tại dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều tại các luật về thuế, do Bộ Tài chính công bố mới đây.

 

Thêm nữa các dự án cũng được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo, kể từ ngày được cấp phép, đi vào hoạt động.

 

Các dự án sản xuất ô tô có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng (300 triệu USD) trở lên, giải ngân trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp phép, sẽ nhận được ưu đãi đầu tư.

Duoc giam thue, DN o to van lam minh lam may?
Được ưu đãi thuế các doanh nghiệp ô tô vẫn đánh tiếng rời Việt Nam

Hiện nhiều DN ô tô cho rằng chính sách ưu đãi này chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch về chi phí sản xuất tại Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Thêm nữa ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam quá yếu kém, tỷ lệ nội địa hóa thấp, sẽ rất khó để tạo ra lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu tại thị trường trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu sản phẩm.

 

Theo các DN ô tô, hiện sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam có chi phí cao hơn 20% so với sản xuất tại Thái Lan, Indonesia,... do sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa thấp.

 

Để duy trì sản xuất ô tô trong nước, thời gian qua, các DN đã kiến nghị lên Chính phủ hàng loạt chính sách, như hỗ trợ phần giá trị chênh lệch giữa sản xuất trong nước so với nhập khẩu, chỉ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe dung tích nhỏ sản xuất lắp ráp trong nước.

 

Cụ thể Toyota từng đưa ra thông tin DN này đang đứng trước hai con đường, hoặc sản xuất ôtô tại Thái Lan bán sang Việt Nam hoặc duy trì sản xuất tại Việt Nam.

 

Sự 'đánh tiếng' của các DN FDI được PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trước đây chúng ta 'trải chiếu hoa' thì các doanh nghiệp FDI được lợi nhưng nay khi siết vào thì họ lại có tính toán cũng là chuyện bình thường.

"Tuy nhiên chúng ta không thể chạy theo sự 'làm mình, làm mẩy' của các DN này được khi hiện nay kinh tế đã bước sang giai đoạn phát triển mới.

Cần cứng rắn chứ không thể hy sinh lợi ích. Giai đoạn này Việt Nam cần bình tĩnh và có bản lĩnh của một tay chơi trên bình diện mới chứ không mãi chạy theo đuôi các nhà đầu tư được", PGS Lê Cao Đoàn phân tích.

Còn GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cho rằng: Không tin rằng họ sẽ ra khỏi Việt Nam. Họ dọa đấy.

"Vì họ cũng đã tuyên bố ý định tương tự như vậy nhiều lần rồi. Việc di dời một nhà máy từ nơi này sang một nơi khác đâu có dễ. Họ dọa không có lý thì chúng ta phải giải thích cho họ hiểu", ông Mại nói.

Theo Phương Nguyên (Tổng hợp)

Đất Việt
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *