Doanh nghiệp 02/12/2014 07:45

Dùng M&A thâm nhập “chiến địa” mới, triển vọng Kinh Đô có sáng?

FICA - KDC khẳng định đã lên danh sách các đối tượng M&A tiềm năng và sẽ công bố tại thời điểm phù hợp. Tuy nhiên, trừ thương vụ mua lại kem Wall’s, thành tích của KDC trong hoạt động M&A của KDC đến nay thực sự không ấn tượng.

Tại Nhật ký tư vấn ngày 1/12, Chứng khoán Rồng Việt cho biết, chuyên viên ngành của công ty đã tham gia ĐHCĐ của CTCP Kinh Độ (KDC) liên quan đến kế hoạch mở rộng cũng như một số thông tin chi tiết về thương vụ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Kinh Đô Bình Dương (công ty con sở hữu mảng bánh kẹo của KDC) cho tập đoàn Mondelez (Mỹ).

Với thương vụ này, KDC dự kiến thu về 9.809 tỷ trong 2 năm, tương ứng với mức 7.847 tỷ và 1.962 tỷ trong năm 2015  và 2016. V

ới số tiền thu được, KDC dự kiến sẽ đầu tư tiếp vào 4 sản phẩm mới là kem (300 tỷ), dầu ăn (700 tỷ), mì gói (325 tỷ) và cà phê (250 tỷ).

KDC tung ra một số sản phẩm mỳ ăn liền mới vào ngày 22/11 (tổng cộng 5 SKU). Các sản phẩm này được 101 nhà phân phối và 650 nhân viên bán hàng bán tại 86.000 điểm bán lẻ. KDC cho biết doanh số bước đầu khá khả quan vì các nhà phân phối có niềm tin lớn vào sản phẩm của KDC, mà niềm tin này đã được xây dựng từ lâu thông qua việc hợp tác trong lĩnh vực bánh kẹo.

Các sản phẩm mỳ ăn liền mới được tung ra của KDC hiện nhắm vào phân khúc giá trị (giá 3.500 đồng/gói). KDC dự kiến sẽ mở rộng sang phân khúc cao cấp (6.000 đồng/gói) và thượng hạng (10.000 đồng/gói) trong thời gian tới.

KDC hiện đang xem xét khả năng đầu tư vào một công ty sản xuất bột mỳ nhằm hỗ trợ lĩnh vực mỳ ăn liền.

Đồng thời, KDC cũng dự kiến chi tối đa 1.200 tỷ đồng mua lại 20 triệu cổ phiếu quỹ, nâng số lượng cổ phiếu quỹ lên 30% tổng số cổ phiếu đã phát hành.

Đánh giá những bước đi này, chuyên viên của Rồng Việt cho rằng, nhu cầu cho các sản phẩm mới của KDC là khá lớn và với kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối, KDC có lợi thế quan trọng để phát triển các mảng này.

Bên cạnh đó, bằng cách mở rộng dòng sản phẩm mới thông qua hoạt động M&A, KDC sẽ giảm được chi phí đầu tư ban đầu cũng như thời gian phát triển sản phẩm.

Theo KDC, mảng mì gói, dù chỉ mới kinh doanh từ cuối tháng 11, đã cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, trừ thương vụ mua lại kem Wall’s, thành tích của KDC trong hoạt động M&A của KDC đến nay thực sự không ấn tượng.

Do đó, chuyên viên của Rồng Việt cho rằng, cần tiếp tục quan sát tốc độ triển khai và bán hàng của những sản phẩm mới trước khi có đủ cơ sở để đánh giá liệu KDC có thể thành công trong các thương vụ này hay không.

Trong khi đó, báo cáo phân tích của Bản Việt (VCSC) cập nhật thêm, KDC sẽ dùng số tiền thu về từ việc chuyển nhượng lĩnh vực bánh kẹo cho Mondelez International (Mondelez) để thâm nhập các lĩnh vực khác trong ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam, cụ thể là mỳ gói (bằng cách liên doanh theo hình thức OEM với Saigon Vewong), dầu ăn (bằng cách mua lại 51% cổ phần Vocarimex), cà phê, nước chấm và sữa (hiện KDC chỉ sản xuất sữa chua, và đang thử nghiệm trên quy mô nhỏ sữa uống, với sản phẩm được gia công bởi đối tác ở nước ngoài).

KDC khẳng định đã lên danh sách các đối tượng M&A tiềm năng và sẽ công bố tại thời điểm phù hợp.

Theo Bản Việt, tại thời điểm này, các nhà đầu tư mà đòi hỏi định vị ngành và hoạt động kinh doanh của công ty rõ ràng sẽ ngần ngại đầu tư vào KDC. Đồng thời, Bản Việt cho rằng, việc chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh của KDC đáng để theo dõi và bức tranh tổng thể sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chiến lược đầu tư dần được công bố.

Mai Chi

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *