Doanh nghiệp 13/07/2019 00:22

Du lịch Dầu khí Phương Đông còn gần 23 tỷ đồng lỗ luỹ kế

Mặc dù kinh doanh khởi sắc sau năm 2015, song PDC - đơn vị chủ quản khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông vẫn còn gánh gần 23 tỷ đồng lỗ luỹ kế do giai đoạn trước để lại.

Cổ phiếu PDC của Công ty cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông hôm nay (12/7) giảm sàn xuống mức giá 5.100 đồng với duy nhất một lệnh bán ra thực hiện thời điểm 9h23’ sáng. Trước đó, giao dịch tại mã này không mấy đáng chú ý với thanh khoản thấp (gần như không có giao dịch).

PDC tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập lập theo Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An (tháng 12/1994) có tên Khách sạn Phượng Hoàng, ngày 18/6/1996 được đổi tên thành Công ty Khách sạn Du lịch Phương Đông.

Ngày 4/2/2007 được sự phê duyệt của UBND tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tiếp nhận Công ty Khách sạn Du lịch Phương Đông về làm đơn vị thành viên và đổi tên thành Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông.

Ngày 21/1/2008 Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông tổ chức Đại hội đồng cổ đông thành lập và đổi tên thành Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông. Ngày 29/9/2009 cổ phiếu của công ty với mã chứng khoán PDC chính thức giao dịch tại HNX. 

Thời điểm gia đình ông Lê Thanh Thản “thâu tóm” PDC là vào giữa năm 2015 khi nhóm cổ đông có liên quan đến “đại gia điếu cày” thực hiện mua vào 49,5% cổ phần công ty này từ OCH. Tổng số cổ phần của nhóm cổ đông này tại PDC lúc đó đạt trên 53%.

Ông Lê Thanh Thản gian nan vực dậy khách sạn lớn nhất nhì Nghệ An - 1

Khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông nổi bật tại TP Vinh (ảnh Mai Chi)

PDC là chủ sở hữu của 2 khách sạn lớn nhất nhì tỉnh Nghệ An thời điểm đó là khách sạn Cửa Đông và khách sạn Phương Đông. Trong khi hệ thống Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thảnh lại quản lý 30 khách sạn trên khắp cả nước (riêng tại TP Vinh, tập đoàn này có khách sạn Mường Thanh Sông Lam).

Sau khi về tay ông Lê Thanh Thản, PDC đổi tên khách sạn Phương Đông (tọa lạc tại vị trí đất vàng số 2 đường Trường Thi) thành Mường Thanh Grand Phương Đông, và khách sạn Cửa Đông thành Mường Thanh Grand Cửa Đông.

PDC còn lỗ luỹ kế tính đến 31/12/2015 là 35,9 tỷ đồng. Tình hình đã dần cải thiện đáng kể tại doanh nghiệp này sau khi ông Lê Thanh Thản tiếp quản doanh nghiệp này, giữ vai trò Chủ tịch HĐQT.

Từ mức lãi trước thuế chỉ hơn 1 tỷ đồng năm 2015, PDC tăng lãi vọt lên 6,3 tỷ đồng năm 2016 và 8 tỷ đồng năm 2017 trước khi sụt giảm còn hơn 1,3 t đồng năm 2018 (do quý 4 thua lỗ). Kết thúc năm 2018, PDC đạt hơn 60,2 tỷ đồng doanh thu, vượt kế hoạch hơn 18% và lãi trước thuế 1,3 tỷ đồng, chỉ bằng 34% kế hoạch.

Lãi trước thuế của PDC giảm 83,31% so với thực hiện của năm 2017 song điểm tích cực là khả năng thanh toán nợ ngắn hạn biến động tăng so với năm 2017 và không có phát sinh nợ xấu. PDC cũng đã giảm tiếp được các khoản vay nợ trước đay (toàn bộ phần nợ gốc khoản vay đến hạn trả cho PVCombank bằng chính kết quả hoạt động kinh doanh mà không phát sinh thêm bất kỳ khoản vay nào khác từ các tổ chức tín dụng).

Đến quý I/2019, tình hình kinh doanh của PDC khởi sắc trở lại với lợi nhuận xấp xỉ 1,75 tỷ đồng, tăng hơn 267 triệu đồng (tăng 18%) so với cùng kỳ. Nguyên nhân được cho biết do siết chặt chi phí quản lý, tiết kiệm chi phí điện, nước, năng lượng… Lỗ luỹ kế còn 22,7 tỷ đồng tại 31/3/2019.

Như vậy, có thể thấy, quá trình hồi sinh của PDC vẫn còn rất gian nan phía trước, có thể phải mất nhiều thời gian để bù đắp hết khoản lỗ luỹ kế từ trước để lại.

Mai Chi

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *