Doanh nghiệp 17/05/2015 17:14

Dự án Thép Formosa Hà Tĩnh có là “mối nguy” cho bầu Long?

FICA – Dự án thép Formosa Hà Tĩnh một trong những dự án FDI khổng lồ tại Việt Nam, song khác biệt so với dự án đầu tư khổng lồ của Samsung là một số sản phẩm có thể sẽ cạnh tranh với các công ty hiện hữu trong nước.

Tại báo cáo phân tích phát hành mới đây, CTCK Bản Việt (VCSC) đánh giá, sự xuất hiện đầy tranh cãi của Dự án thép Formosa Hà Tĩnh (FHS) sẽ không làm mất đi thực tế rằng đây là một dự án có quy mô và vốn đầu tư ở tầm cỡ thế giới.

Đây là một trong những dự án FDI khổng lồ với sự hỗ trợ của Chính phú Việt Nam, các đối tác FDI và các tập đoàn tư bản tầm cỡ của Đài Loan cũng như có các lợi thế vốn có cho giai đoạn sản xuất ở Việt Nam.

Điều mà FHS khác biệt so với dự án đầu tư khổng lồ của Samsung là một số sản phẩm có thể sẽ cạnh tranh với các công ty hiện hữu trong nước – theo VCSC.

Mặc dù đây là một cuộc chiến giữa “David và Goliath”, các nghiên cứu của Bản Việt cho thấy, HPG có thể cạnh tranh với FHS ở khía cạnh chi phí sản xuất cũng như nguồn quặng sắt. FHS có thể sản xuất thép 7,5 triệu tấn thép tấm/năm với khả năng bổ sung thêm 1,2 triệu tấn thép dài/năm, và lên kế hoạch bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2016.

Bản Việt cho rằng, ý định xuất khẩu phần lớn lượng thép tấm sang các quốc gia Đông Nam Á của FHS là khả thi, và do đó sẽ làm giảm bớt áp lực cạnh tranh của gã khổng lồ này (dự án 10 tỷ USD) đối với các nhà sản xuất thép dài ở Việt Nam.

Trên cơ sở cơ cấu chi phí sản xuất của Tập đoàn thép quốc tế giả định, Bản Việt ước tính chi phí sản xuất phôi thép của HPG đạt 384 USD/tấn, cao hơn 10 USD (2,8%) so với FHS. Tầm nhìn táo bạo cũng như quy mô của FHS đã mang lại hiệu quả vận hành đủ để khắc phục yếu điểm vốn đầu tư lớn khi xây cả nhà máy nhiệt điện và cơ sở hạ tầng cảng.

Lợi thế của HPG là đã khấu hao xong một phần lớn chi phí nhưng lưu ý rằng lợi thế này vẫn không vượt được lợi thế về quy mô của FHS. Một thuận lợi khác của HPG là thép dài của FHS đến năm 2017 mới đưa ra thị trường.

Bản Việt cũng cho biết, trữ lượng quặng sắt HPG gồm 60 triệu tấn vẫn là thế mạnh của công ty so với FHS khi giá quặng sắt tăng trở lại. FHS vẫn phải phụ thuộc vào quặng sắt nhập khẩu từ Australia/Brazil ngay cả khi mỏ Thạch Khê đi vào khai thác.

Bản Việt ước tính chi phí sản xuất của FHS sẽ xấp xỉ của tập đoàn thép quốc tế giả định nhưng sau khi tính cả chi phí vận chuyển và thuế xuất khẩu ưu đãi sang các nước ASEAN, chi phí của FHS sẽ thấp hơn khoảng 4-14% so với đối thủ cạnh tranh: Chi phí sản xuất cao hơn chủ yếu do chi phí khấu hao của FHS cao. Tuy nhiên, công ty được miễn thuế xuất khẩu trong khi các đối thủ cạnh tranh phải chịu thuế xuất khẩu ít nhất là 5% và vị trí chiến lược của FHS giúp chi phí vận chuyển giảm bớt 55%.

Tại báo cáo này, Bản Việt cũng lưu ý rằng, việc China Steel Corp (CSC), một công ty Đài Loan, tăng vốn vào FHS gần đây đã làm dịu bớt các ngờ vực trước đây về kinh nghiệm trong ngành thép và cho phép FHS cạnh tranh với các công ty thép lớn (như Baosteel, Posco và Tata Steel etc.):

- Khu phức hợp thép lớn nhất ASEAN và gần lọt vào 10 công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới áp dụng công nghệ tiên tiến.

- Đông Nam Á nhập khẩu đến 90% thép dẹt (20 triệu tấn/năm) và tăng trưởng nhu cầu ước tính sẽ ở mức cao.

- Nhu cầu thép dẹt của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 16%-18%/năm.

- FHS được miễn thuế nhập khẩu đối với trang thiết bị, máy móc trong giai đoạn xây dựng và chỉ phải trả 60% phí môi trường, bên cạnh thuế TNDN 10% và được thuê đất trong 70 năm.

Mai Chi

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *