Doanh nghiệp 19/11/2013 09:46

Dồn vốn cho cảng Bắc, Gemadept chi 468 tỷ đồng cho Nam Hải Đình Vũ

FICA - Chi phí xây dựng dở dang 9 tháng đầu năm của Gemadept tăng gần 924 tỷ đồng. Công ty dồn vốn cho 3 dự án là cảng Nam Hải Đình Vũ và 2 dự án cao su tại Campuchia.



Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2013, trong 9 tháng đầu năm, Gemadept đã chi gần 924 tỷ đồng chi phi xây dựng cơ bản. Trong đó, Gemadept chi hơn 468 tỷ đồng cho dự án cảng Nam Hải Đình Vũ và 456 tỷ đồng cho 2 dự án cao su tại Campuchia.

Gemadept có 6 cảng trải dài từ Bắc tới Nam. Trong đó, 3 cảng đã đi vào hoạt động là cảng Phước Long tại TPHCM, cảng Dung Quất tại Quảng Ngãi và cảng Nam Hải tại Hải Phòng. Ba cảng đang trong quá trình xây dựng là cảng Gemalink tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải - TPHCM, liên doanh cảng Gemadept - Hoa Sen tại Bà Rịa - Vũng Tàu và cảng Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng.

Theo Nhịp cầu đầu tư, trước tình hình các cảng ở miền Nam dư thừa công suất, chỉ có Tân Cảng Sài Gòn và Cát Lát có lãi, Gemadept đã quyết định giãn tiến độ đầu tư Gemadept - Hoa Sen và Gemalink. Trong khi đó, dự án Nam Hải - Đình Vũ là cảng nằm ngay cửa sông Bến Bính - Cát Bà, khu vực cảng chiến lược của cả miền Bắc. Thêm vào đó, khu vực cảng chiến lược Hải Phòng mới chỉ đáp ứng khoảng 2 triệu TEU/năm so với tổng lượng cầu 2,6 triệu TEU/năm. Nếu tính luôn cảng Nam Hải - Đình Vũ sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay với công suất 500.000 TEU/năm thì cầu vẫn vượt cung.

Chính vì vậy, Gemadept dồn vốn đầu tư vào dự án chiến lược này. Giữa tháng 10, Gemadept tăng tỷ lệ sở hữu tại Gemadept từ 55% lên 85% thông qua việc nhận chuyển nhượng 12 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Cảng Nam Hải Đình Vũ. Số cổ phần này trước đó thuộc sở hữu của công ty cổ phần vận tải xăng dầu VIPCO.

Ngoài cảng biển, 2 dự án cao su cũng được Gemadept đổ vốn đầu tư rất mạnh. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, Gemadept chi 150 tỷ đồng cho dự án cao su của Pacific Pearl và 278 tỷ đồng cho dự án cao su của Pacific Lotus. Cả 2 dự án này đều nằm tại Campuchia.

Trước đó, Gemadept đã được chính phủ Hoàng gia Campuchia cấp đất tô nhượng kinh tế với diện tích gần 30.000 ha tại địa bàn xã Royor, huyện Kohgnek, tỉnh Mondulkiri. Cuối tháng 3/2011, Tập đoàn nhận được giấy phép khai hoang. Đến hết năm 2011, Gemadept đã hoàn thành khai hoang 8.000 ha đất rừng, xây dựng vườn ươm 10 ha và trồng mới gần 4.500 ha cao su, hoàn thành việc xây dựng văn phòng chính, khu nhà ở phục vụ cho cán bộ công nhân viên làm việc dự án.

Đến thời điểm hết quý 3, Gemadept chưa có doanh thu từ cao su.

Lãi quý 3 giảm, lãi 9 tháng vẫn gấp hơn 2 lần cùng kỳ

Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần quý 3 của Gemadept xấp xỉ cùng kỳ với 650 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cao hơn năm ngoái 2 tỷ đồng, đạt hơn 117 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 10 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ quý 3/2013 của Gemadept giảm 33%, còn hơn 27 tỷ  đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là 241 đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Gemadept đạt 1.824 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Do lợi nhuận từ hoạt động tài chính năm nay đạt 61 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 50 tỷ đồng nên lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng.

Trừ đi lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số, cổ đông công ty mẹ Gemadept thu được 166 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 127% so với cùng kỳ. EPS 9 tháng đạt 1.472 đồng.

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *