Doanh nghiệp 14/12/2013 09:42

Doanh nghiệp với "sân chơi" TPP: Thấy lo nhiều hơn là mừng

FICA - Theo TS Nguyễn Đức Thành, trong hai năm tới, TPP và AEC sẽ là những làn sóng khổng lồ tràn qua nền kinh tế chúng ta. Không có chuẩn bị và nhận thức rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chỉ biết chấp nhận nó như những hiện tượng thiên nhiên và sự sống còn sau đó gần như may rủi.

Việt Nam cùng với 11 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang trong giai đoạn nước rút đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại được đánh giá là tiêu biểu của thế kỷ 21.

Đàm phán Hiệp định TPP có phạm vi rộng hơn nhiền so với các vòng đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nếu như WTO chỉ đàm phán về thị trường hàng hóa, dịch vụ, một số vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, thì trong đàm phán TPP còn đề cập cả mua sắm chính phủ, lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước... Nếu như Hiệp định WTO mang tính đàm phán một chiều thì Hiệp định TPP là một hiệp định “có đi có lại” nên các nước muốn mình mở thị trường cho họ và họ cũng mở thị trường cho Việt Nam.

Theo đánh giá mới đây của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, nếu chúng ta đàm phán và ký kết được Hiệp định này, về mặt kinh tế, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Về mặt chính trị, tham gia TPP sẽ góp phần nâng cao vị thế Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, cũng không tránh khỏi mặt hạn chế mà chúng ta cần phải dự báo, đề phòng trước, nhất là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Vậy các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam phải làm gì để chuẩn bị cho "sân chơi" lớn này?

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, rất khó đoán định thời điểm ký TPP vì đối với Việt Nam còn quá nhiều điểm bất đồng trong đàm phán, liên quan đến không chỉ cấu trúc kinh tế mà cả cấu trúc xã hội.... Thêm vào đó, đặc điểm của đàm phán TPP là bí mật nên chúng ta lại càng khó khăn trong việc thông tin cho doanh nghiệp để họ có thể chuẩn bị trên diện rộng.

Theo ông Thành, TPP sẽ mang lại lợi thế cho doanh nghiệp nào có khả năng tự tạo ra giá trị gia tăng và tuân thủ các điều kiện sản xuất hiện đại như đảm bảo điều kiện cho người lao động, bảo vệ môi trường, tôn trọng bản quyền... Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam thường chưa chú trọng điều này và quy mô cũng còn nhỏ.

"Do đó, ngay cả khi có được những lợi thế nhất định như việc ưu đãi thuế cho xuất xứ sản phẩm thì chúng ta có thể không tận dụng được hết. Vì thế, chúng ta có thể lại phải nhờ đến những bạn hàng bên ngoài TPP như Trung Quốc hoặc Thái Lan. Điều này lý giải vì sao doanh nghiệp Trung Quốc rất quan tâm việc tận dụng cơ hội nếu Việt Nam gia nhập TPP", ông Thành cho biết.

Ông Thành cho biết, với những cuộc hội nhập lớn như thế này, các nước trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan, chuẩn bị rất rầm rộ và kĩ lưỡng trong khi Việt Nam chưa thật sự chủ động ở tất cả các cấp, các thành phần.

"Bài học gia nhập WTO cho thấy rõ điều đó. Khi không chủ động thì việc hội nhập sẽ chậm hơn và trong giai đoạn đầu thậm chí còn gặp phải những bất lợi.Thật sự là trong hai năm tới, TPP và AEC sẽ là những làn sóng khổng lồ tràn qua nền kinh tế chúng ta. Không có chuẩn bị và nhận thức rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chỉ biết chấp nhận nó như những hiện tượng thiên nhiên và sự sống còn sau đó gần như may rủi", ông nhận định.

Riêng tới năm 2015, ông Thành cho rằng, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều biến đổi và thách thức lớn. Trong đó phải kể tới việc cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành và khả năng Hiệp định TPP được ký kết. Đây là những cơ hội to lớn nếu Việt Nam biết tận dụng và tiếp nhận nhưng để làm được điều đó cần có sự cải cách mạnh mẽ để nền kinh tế thị trường trong nước thực sự phát triển, khu vực tư nhân mạnh mẽ và năng động, hệ thống luật pháp và hành chính minh bạch và hiệu quả...

"Nếu không có cải cách thực chất và kịp thời, cơ hội nói trên sẽ trở thành thách thức ghê gớm cho người dân và doanh nghiệp. Thực ra chỉ còn một năm 2014 là bước sang 2015, cá nhân tôi cảm thấy rất lo ngại với tốc độ của sự thay đổi trong tư duy cũng như thực tiễn chính sách của Việt Nam. Tôi thấy lo nhiều hơn là mừng", ông chia sẻ.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *