Doanh nghiệp 12/12/2013 17:59

Doanh nghiệp thời khủng hoảng: Thà ăn hại còn hơn phá hoại?

FICA - Các chuyên gia cho rằng, không làm gì cũng là một cách làm tốt trong thời khủng hoảng nhưng biết tận dụng cơ hội thời khủng hoảng mới là quan trọng.

Chưa nên lạc quan quá sớm

Tại một buổi tọa đàm diễn ra mới đây, nhận định về tình hình doanh nghiệp Việt Nam, Thạc sĩ Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước vừa qua thì nhìn chung các doanh nghiệp đánh giá khá cao những chuyển biến của tình hình kinh tế năm 2013 dưới hàng loạt những chỉ số kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá... có dấu hiệu tích cực.

"Dù chưa nhiều nhưng cũng đã có những doanh nghiệp bước đầu tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Chính phủ cũng có những kế hoạch đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng cho hoạt động kinh doanh như nâng cấp quốc lộ 1, các cảng biển... Như vậy rõ ràng đây là những cơ sở để các doanh nghiệp kỳ vọng vào những diễn biến tốt đẹp hơn trong năm 2014 và những năm sắp tới", ông cho biết.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Đậu Anh Tuấn cũng lưu ý rằng, như tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vào ngày 3/12 vừa qua tại Hà Nội, rất nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước đang đặc biệt khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang chật vật để tồn tại. Nhiều kiến nghị rằng Chính phủ cần kiên định các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới nền kinh tế lành mạnh và ổn định trong dài hạn, đó là điều doanh nghiệp và nhà đầu tư cần nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng trong năm 2014, doanh nghiệp vẫn cần thận trọng với những diễn biến kinh tế chung, chưa nên lạc quan quá sớm khiến việc sử dụng vốn có thể bị lỡ thời cơ trong tương lai khi nền kinh tế có nhiều tín hiệu rõ ràng hơn.

Không làm gì cũng là một cách làm tốt?

ThS. Đậu Anh Tuấn chia sẻ: "Đúng là có nhiều doanh nghiệp mà tôi gặp đã nói trong giai đoạn này thà "ăn hại còn hơn phá hoại", thà ngồi im không làm gì còn đỡ thiệt hại hơn là đẩy mạnh kinh doanh. Do vậy, đã có những doanh nhân đã từ bỏ thương trường, bởi đầu tư gì trong giai đoạn này cũng khó khăn và nguy cơ mất vốn cao".

"Tuy vậy, tôi cũng gặp những doanh nhân lại đang âm thầm đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, mở thêm các nhà máy mới hay mua lại các cơ sở kinh doanh. Trong khó khăn bao giờ cũng có cơ hội tốt cho người có nguồn lực và tầm nhìn", ông nói thêm.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, cảm nhận rõ nhất có lẽ là chưa có lúc nào trong giai đoạn từ năm 2000 trở lại đây, tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp lại xuống đến vậy. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa của Việt Nam. Ông Tuấn cho rằng đây là điều đáng lo ngại vì chính doanh nghiệp tư nhân trong nước mới là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà trong tương lai.

Trả lời cùng câu hỏi doanh nghiệp nên làm gì trong năm tới, TS. Quách Mạnh Hào, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, lại cho rằng, không làm gì cũng là một cách làm tốt trong thời khủng hoảng nhưng biết tận dụng cơ hội thời khủng hoảng mới là quan trọng.

"Tùy quan điểm mối người và tùy ngành mà họ tham gia thì  mới có câu trả lời chính xác là làm hay không làm. Còn quan điểm của tôi về nền kinh tế thì tôi nghĩ rằng có lẽ phải từ 2 đến 3 năm nữa nền kinh tế mới thực sự bắt đầu một chu kì mới. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta có tới đến 2 hoặc 3 năm để chuẩn bị tạo đà cho một chu kì phát triển mới", ông Hào nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Thành khuyến nghị, mỗi ngành đều có những cơ hội riêng mà chỉ người rất có kinh nghiệm trong ngành mới biết được. Nhưng dù thế nào, việc kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng, có bài bản, tính toán lâu dài, dựa vào uy tín, tôn trọng các chuẩn mực quốc tế vẫn sẽ là chiến lược để thích nghi trong tương lai.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *