Doanh nghiệp 24/12/2015 17:35

Doanh nghiệp sống sót hay không còn chờ... văn bản pháp luật

"Không phải là chất lượng hàng hoá hay khả năng quản trị, một văn bản ra đời cũng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Có những văn thúc đẩy sự lớn mạnh của doanh nghiệp, nhưng cũng có quy định không tốt ảnh hưởng tới sự lụi bại của các doanh nghiệp và các ngành hàng”, đại diện VCCI nói.

Không phải là chất lượng hàng hoá hay khả năng quản trị, một văn bản ra đời cũng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Không phải là chất lượng hàng hoá hay khả năng quản trị, một văn bản ra đời cũng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
 

Phát biểu tại Hội thảo khởi động cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất diễn ra mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hơn bao giờ hết, các văn bản pháp luật đang có ảnh hưởng lớn tới khả năng cạnh tranh và sống sót của các doanh nghiệp.

“Không phải là chất lượng hàng hoá hay khả năng quản trị, một văn bản ra đời cũng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Có những văn thúc đẩy sự lớn mạnh của doanh nghiệp, nhưng cũng có quy định không tốt ảnh hưởng tới sự lụi bại của các doanh nghiệp và các ngành hàng”, ông Tuấn nói.

Đại diện VCCI dẫn một ví dụ: “Có Nghị định quy định người đứng đầu cơ sở in phải tốt nghiệp cao đẳng ngành in nhưng sau phải bỏ. Thực tế, như hiện tại 3.000 doanh nghiệp ngành này không có người đứng đầu có bằng cấp như quy định nhưng lại phát triển rất tốt. Trong đó, có ông tiến sĩ ngành in chỉ kinh doanh một doanh nghiệp bé tí cũng thua lỗ, nhưng có doanh nghiệp doanh số vài nghìn tỷ nhưng ông chủ không có bằng cấp gì”.

Ông Tuấn cũng dẫn trường hợp quy định, trại nuôi heo 10.000 con trở lên phải đáp ứng chất lượng nước thải loại A, tương đương nước mà con người có thể uống được và cao hơn yêu cầu của Nhật Bản hay Thái Lan tới 7-8 lần. Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng mà vẫn loay hoay không biết phải thực hiện ra sao.

Cũng dẫn thêm một ví dụ, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, quy định về các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo đặt ra là phải có nhà máy xay, kho bãi 10.000 tấn. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, quy định này không có cơ sở khoa học thực tiễn, làm méo mó cạnh tranh và chỉ bảo vệ lợi ích của một nhóm người.

Theo đánh giá của ông Cung, mặc dù từ năm 1997, các chuyên gia cũng như nhà làm chính sách có thể tiếp cận ngang hàng với OECD về mặt tư duy nhưng trên thực tế chất lượng văn bản pháp luật của Việt Nam cơ bản là tồi.

Ông Cung cho rằng, các quy định cần phải có mục tiêu, chính sách và cơ sở khoa học, pháp lý rõ ràng. Đồng thời, phải đảm bảo lợi ích phải vượt chi phí và thúc đẩy cạnh tranh công bằng, không hạn chế hay làm méo mó thị trường.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trong việc xây dựng chính sách kinh tế hiện nay, tư duy kế hoạch hoá tập trung và hành chính vẫn ảnh hưởng lớn trong điều hành, hoạt động của cơ quan nhà nước.

“Các Bộ trưởng dường như không quan tâm đến cải cách thể chế, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật. Tư duy các Bộ trưởng chưa thay đổi, kể cả học ở Anh, Mỹ, Úc…khi về dường như họ quên hết những thứ đã học. Nếu họ quan tâm, hoàn toàn có cửa vận dụng", ông Cung nói.

Phương Dung

 
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *