Doanh nghiệp 09/12/2014 09:12

Doanh nghiệp Nhà nước chi phối Top 500 doanh nghiệp lớn nhất nước

FICA - Khoảng 15% doanh nghiệp lớn là các doanh nghiệp ngành khoáng sản – xăng dầu đang tạo ra 32,9% tổng doanh thu toàn BXH, mức doanh thu cao nhất trong số các ngành nghề kinh doanh.

Ngày 9/12/2014, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014.

Đây là năm thứ 8 liên tiếp danh sách và thứ hạng của Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam được chính thức công bố nhằm tôn vinh những thành quả trong hoạt động sản xuất và kinh doanh mà các doanh nghiệp lớn tiêu biểu đã đạt được trong năm tài chính 2013.

Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) dẫn dầu là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong BXH 2014 - đây là năm thứ 7 liên tiếp kể từ 2008 đến 2014, PVN soán ngôi vị này. Kế đến là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam. Các vị trí tiếp theo thuộc về Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VIệt Nam (VNPT) chỉ đứng thứ 7,  Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đứng thứ 8, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) xếp thứ 9 và vị trí thứ 10 thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Tổng doanh thu của Top 10 doanh nghiệp này đạt xấp xỉ 2,35 triệu tỷ đồng.

Trong khối tư nhân, trong BXH năm nay, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) chỉ xếp thứ hai, đứng sau CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI. Đây là năm thứ 3 liên tiếp từ năm 2012 - 2014 DOJI dẫn đầu Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Trong khi đó, Công ty CP FPT vượt Tập đoàn Vingroup để giành vị trí thứ ba. Các vị trí tiếp theo thuộc về CTCP Tập đoàn Intimex (thứ 5), CTCP Tập đoàn Hòa Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Á Châu, và thứ 10 là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam. Tổng doanh thu của Top 10 đạt xấp xỉ 236.000 tỷ đồng.

15% doanh nghiệp lớn là các doanh nghiệp ngành khoáng sản – xăng dầu

Theo kết quả khảo sát của đơn vị xếp hạng, nền kinh tế và kinh doanh có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong giai đoạn 2014 – 2015.

Kết quả điều tra cơ bản cho thấy các doanh nghiệp lớn rất tự tin với kết quả kinh doanh năm 2014 của mình, khi phần đông doanh nghiệp (hơn 50%) nhận định, cả doanh thu, lợi nhuận, năng suất lao động, lượng đơn hàng của họ đều tăng hơn so với năm trước.

Về tổng thể, 64,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định, tình hình sản xuất kinh doanh của họ trong năm 2014 tốt hơn năm 2013, 28,6% nhận định kinh doanh ổn định, và chỉ 7,1% nhận định tình hình kinh doanh xấu hơn năm 2013.

Với sự tự tin đó, gần 95% số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán kinh doanh năm 2015 sẽ “cơ bản ổn định” và có xu hướng “tăng lên” so với năm trước, đặc biệt về doanh thu, lợi nhuận và lượng đơn hàng. Trong năm 2015, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị và số lượng công nhân viên sẽ được duy trì như năm 2014.

Cũng theo thống kê của BXH VNR500 năm 2014, 59,4% tổng doanh thu của 500 doanh nghiệp lớn nhất đến từ khối nhà nước, cho thấy DNNN vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong BXH VNR500, đồng nghĩa với việc mặc dù đang thực hiện cổ phần hóa DNNN nhằm tạo thêm nhiều không gian và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước, song trên thực tế, các DNNN vẫn đang chi phối nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, thống kê BXH VNR500 năm 2014 cũng cho thấy, khoảng 15% doanh nghiệp lớn là các doanh nghiệp ngành khoáng sản – xăng dầu đang tạo ra 32,9% tổng doanh thu toàn BXH, mức doanh thu cao nhất trong số các ngành nghề kinh doanh. Rõ ràng, cơ cấu ngành nghề hiện nay cần được điều chỉnh lại hợp lý hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhóm ngành khai thác tài nguyên, khuyến khích phát triển các ngành tiềm năng như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin… Đứng thứ hai về tổng doanh thu là ngành điện (19%), tiếp theo sau là ngành tài chính – ngân hàng (10,3%).

Khi được hỏi về hiệu quả của công cuộc tái cơ cấu kinh tế trong 3 lĩnh vực: tài chính – ngân hàng, đầu tư công và DNNN, phần đông cho rằng tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước “chưa có hiệu quả rõ rệt”, với tỷ lệ lựa chọn đáp án này lần lượt là 70,5% và 64,4%. Ngược lại, tái cơ cấu tài chính – ngân hàng đang được thực hiện khá hiệu quả, khi trên 65% số doanh nghiệp lựa chọn đáp án “hiệu quả” và “rất hiệu quả”.

Trong đợt xếp hạng này, sự xuất hiện của nhà máy sản xuất điện thoại Nokia, nối tiếp bước đi của Samsung tại Việt Nam trong năm 2013 đã giúp tỉnh Bắc Ninh trở thành địa phương có ít doanh nghiệp lớn nhưng tổng doanh thu chiếm gần 10% tổng doanh thu toàn BXH, chỉ đứng sau hai trung tâm kinh tế lớn là TP.Hà Nội (45,2%) và TP. Hồ Chí Minh (21,4%), cho thấy Việt Nam nói chung, và Bắc Ninh nói riêng đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện nay.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp FDI cũng đang ngày càng thể hiện tốt hơn vị thế của mình, khi đóng góp đến hơn 22% tổng doanh thu toàn BXH, trong khi số doanh nghiệp lọt vào BXH VNR500 năm nay chỉ chiếm chưa đến 16%. Rõ ràng, để cạnh tranh được với nhóm DN năng động này. DN Việt Nam, đặc biệt là DN tư nhân trong nước cần phải hết sức tỉnh táo trong lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp cho giai đoạn tới đây.

Nhận định về giải pháp Chính phủ cần ưu tiên thực hiện trong thời gian tới, 76,8% doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục “đảm bảo ổn định vĩ mô”, đặc biệt là kiềm chế tốt lạm phát. Về cơ bản, chỉ khi kinh tế vĩ mô ổn định, các doanh nghiệp mới có thể đưa ra dự báo chuẩn xác về triển vọng kinh doanh, tránh những rủi ro tài chính đáng tiếc, đồng thời thúc đẩy hoạt động đầu tư làm cải thiện tăng trưởng trong dài hạn.

Trong hai năm vừa qua, nhiệm vụ “ổn định kinh tế vĩ mô” đã trở thành ưu tiên hàng đầu thay cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao như những năm trước đó. Đây là phương án ưu tiên, cũng là mục tiêu chính yếu mà Chính phủ cần tập trung đạt được, trước khi nghĩ tới các phương án “tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp thông qua các gói hỗ trợ tài chính, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế”.

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *