Doanh nghiệp 02/11/2017 07:45

Doanh nghiệp may phát "sốt" vì lương và chi phí "song tăng"

Những thách thức với các doanh nghiệp may mặc trong năm 2018 này chính là vấn đề tiền lương. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, lương tăng, các chi phí khác cũng tăng nên muốn tồn tại cần phải thay đổi công nghệ để tăng năng suất lao động.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp may ở Hưng Yên chia sẻ: “Đến thời điểm này, kế hoạch của năm tạm hoàn thành. Nhưng năm 2018 vẫn có nhiều thách thức khi, đơn giá các mặt hàng đều bị khách hàng ép giá xuống bởi vì tình hình hàng dệt may của tất cả các thị trường đều bị giảm giá. Đây là điều đáng lo cho các DN.

det-may-1
 

“Tuy nhiên, điều đáng lo hơn đó là sang năm, giá giảm mà đầu vào ở Việt Nam như tiền lương tăng, kéo theo các chi phí khác cùng tăng. Nếu DN muốn tồn tại được thì buộc phải tăng năng suất lao động, vì thế, rất cần tới máy móc công nghệ hiện đại”, ông Dương cho biết thêm

Đó là phát biểu của ông Dương tại Triển lãm Quốc tế Ngành Công nghiệp Dệt & May, Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2017 (HANOIT EX – Việt Nam 2017) diễn ra sáng nay (1/11) tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 150 công ty đến từ 15 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.

Tổng  diện  tích  trưng bày trên 6,000 m2, HANOITEX – Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm giới thiệu về các loại thiết bị sợi, dệt, nhuộm; dây chuyền may thêu tự động, máy đo và cắt vải tự động; phần mềm thiết kế, nguyên phụ liệu, vải, sợi… của các công ty hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may.

Triển lãm có 150 công ty đến từ 15 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới như: Trung Quốc, Hồng Kông, Italy, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương Quốc Anh, USA,…tới tham dự giới thiệu thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ cho thị trường dệt may Việt Nam.

det-may-3
 

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội quảng bá sản phẩm, gặp gỡ mở rộng và củng cố thị trường nội địa, lựa chọn và tìm kiếm nguồn hàng với mẫu mã chất lượng cao đến từ nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Đồng thời, các quốc gia tham dự sẽ có dịp tiếp cận với số lượng lớn các doanh nghiệp Việt Nam để tìm hiểu thị trường, trao đổi, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào ViệtNam.

Tuyên bố khai mạc triển lãm, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết: “Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, nhưng ngành Dệt May Việt Nam dự kiến vẫn hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD.”

“Để hoàn thành mục tiêu đó, các doanh nghiệp trong ngành đã nỗ lực không ngừng, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí, khai thác các thị trường ngách,… để tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu”, ông Trường nói.

Ngay sau tuyên bố khai mạc, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã điểm lại năm 2016 và chỉ ra một số điểm tích cực của ngành may mặc: “Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của năm. Riêng ngành dệt may đã góp phần đáng kể, năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm trước, nhập khẩu dệt may năm 2016 đạt 17 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2015, tỷ lệ giá trị gia tăng của hàng dệt may năm 2016 là 51,3%, tăng 0,3% so với năm 2015.”

“Tính đến hết tháng 9/2017, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 23 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, nhập khẩu dệt may đạt 14 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái”, Thứ trưởng cho biết thêm.

Tuy nhiên Thứ trưởng cho rằng: “Dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao.”

“Một trong những điểm yếu hiện nay là chúng ta chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may, đây là nguyên nhân chính làm cho ngành dệt may có giá trị gia tăng thập so với nhiều nước trên thế giới” – Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chỉ ra.

Để khắc phục những tồn tại trên, Thứ trưởng cho biết: “Chính phủ và các Bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam.”

Thế Hưng

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *